Hội thảo nhằm cung cấp một diễn đàn để đại biểu từ các quốc gia Đông Nam Á, các nhà khoa học, các doanh nghiệp có liên quan trao đổi những quan điểm, ý tưởng, chính sách mới về hợp tác khoa học công nghệ nông nghiệp; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hợp tác chuyên môn nghiệp vụ nhằm thúc đẩy hợp tác mới giữa Việt Nam với Ác-hen-ti-na cũng như giữa các nước trong khu vực.

Tham dự và phát biểu tại Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tôn giáo Ác-hen-ti-na - ông Jorge M. Faurie và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam – ông Lê Quốc Doanh.

Đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh kỷ niệm

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm, thu nhập, ổn định an sinh xã hội cho cộng đồng dân cư nông thôn, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội của Việt Nam. Đồng thời nông nghiệp Việt Nam cũng tự hào có đóng góp lớn cho an ninh lương thực toàn cầu. Việt Nam hiện đứng trong Top15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,37 tỉ USD (năm 2017), trong đó có 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, đặc biệt 5 mặt hàng: tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Mặt hàng nông sản của Việt Nam đang có mặt ở 180 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đóng góp của khoa học công nghệ đối với nông nghiệp Việt Nam vô cùng lớn, là giải pháp quan trọng để tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, đóng góp quan trọng vào quá trình tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tiếp tục mong muốn mở rộng hợp tác khoa học công nghệ, đặc biệt khoa học công nghệ cao với các nước trên thế giới.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị

Trong phát biểu của mình, ông Jorge M. Faurie đã chúc mừng những thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian qua và mong muốn hai Bên tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt là hợp tác về khoa học công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp (những lĩnh vực mà Ác-hen-ti-na có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu) và hợp tác thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản giữa hai nước. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tôn giáo Ác-hen-ti-na cho rằng đây là cơ hội tốt để Việt Nam và Ác-hen-ti-na cùng các nước trong khu vực chia sẻ kinh nghiệm hợp tác và trao đổi để tìm kiếm cơ hội hợp tác mới. Hoạt động này là một dấu mốc ý nghĩa đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao hai nước (25/10/1973-25/10/2018).

Tại Hội thảo, thông qua 03 bài trình bày về các chủ đề chính sách, thương mại; 11 bài trình bày về các chủ đề di truyền và công nghệ cải tiến chế biến thức ăn chăn nuôi, công nghệ sau thu hoạch, thú y, công nghệ sinh học và bảo vệ thực vật; 06 bài trình bày chia sẻ từ các đối tác quốc tế đến từ các nước Căm-pu-chia, In-đô-nê-xia, Ma-lay-sia, Phi-lip-pin, Áp-ga-nít-xtan, và Mong-gô-lia.

Các diễn giả, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách từ Việt Nam, Ác-hen-ti-na và các nước trong khu vực đã trao đổi và thảo luận để tìm kiếm những tiềm năng hợp tác mới. Theo đó, các lĩnh vực sẽ được hợp tác trong thời gian tới gồm: tiếp tục hợp tác về chủ đề trao đổi nguồn gen kháng bệnh đạo ôn trên lúa; đột biến gen trên đậu tương cao sản; công nghệ mới trong chăn nuôi bò sữa; hợp tác về sản xuất trái cây nhiệt đới.

Trong thời gian qua, Quỹ Hợp tác Nam-Nam và ba Bên của Ác-hen-ti-na (FO.AR) đã hỗ trợ các hợp tác về các chủ đề (i) Bảo quản nông sản sau thu hoạch; (ii) Sản xuất vắc-xin lở mồm long móng; (iii) Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn thức ăn địa phương trong chăn nuôi; (iv) Trao đổi nguồn gen kháng bệnh đạo ôn trên lúa; (v) Đột biến gen trên đậu tương cao sản; (vi) Nhân bản phôi bò sữa. Đây là những hợp tác mà Ác-hen-ti-na có thế mạnh. Kết quả của các hợp tác này đã góp phần nâng cao năng lực của nghiên cứu của một bộ phận đội ngũ khoa học có liên quan của Việt Nam./.

Đặng Quý Nhân

Bộ Nông nghiệp và PTNT