Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển nông nghiệp từ các dự án của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) ở khu vực Tây Bắc hơn 10 năm qua. Đây cũng là dịp để các cơ quan chính phủ, nhà tài trợ, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp trao đổi về cơ hội hợp tác và phát triển nông nghiệp cho các tỉnh vùng cao của Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – TS. Lê Quốc Doanh cho biết: “Trong thời gian qua, Chính phủ Australia thông qua ACIAR đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để tăng cường năng lực nghiên cứu, mang lại các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, góp phần giảm nghèo và cải thiện thu nhập của nông dân, đặc biệt là vùng Tây Bắc. Các dự án này hướng tới giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên bền vững, liên kết thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Sau hơn 10 năm thực hiện, nhiều mô hình canh tác nông nghiệp thân thiện, nhiều ứng dụng nghiên cứu, các chuỗi sản xuất, cung ứng… nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu như canh tác trên đất dốc bảo tồn độ phì nhiêu của đất, cải tạo đất… đã được thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Một số chuỗi giá trị nông sản được hình thành và đang tiếp tục được mở rộng như chuỗi Rau an toàn Mộc Châu; Chuỗi giá trị mận Mộc Châu, Bắc Hà, thịt bò Điện Biên”.

Trong 2 ngày diễn ra Hội thảo, đã có  rất nhiều các kết quả nghiên cứu được trình bày, chia sẻ, các cuộc thảo luận trao đổi giữa đại diện các bên của dự án, chính quyền địa phương, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân giúp làm sáng tỏ những vấn đề còn thắc mắc, đưa ra các gợi ý cho sự phát triển nông nghiệp ở Tây Bắc Việt Nam, đề xuất các giải pháp dựa trên các kết quả thu thập.

Tại Phiên “Cơ hội hợp tác”, TS. Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã trình bày bài thuyết trình với chủ đề “Mở rộng kết quả nghiên cứu của ACIAR thông qua mạng lưới khuyến nông quốc gia”. TS. Hạnh cho biết, vùng Tây Bắc bao gồm 6 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với tổng số 1.555 cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện và khuyến nông viên cơ sở. Trong 3 năm (2015-2017) tại các tỉnh vùng Tây Bắc đã triển khai 11 dự án khuyến nông trồng trọt và lâm nghiệp với tổng số 4.416 hộ hưởng lợi; 10 dự án khuyến nông chăn nuôi và thủy sản với tổng số 4.036 hộ hưởng lợi; tổ chức 175 lớp tập huấn với 5.250 người tham gia; tổ chức 10 sự kiện khuyến nông bao gồm hội chợ, hội thi, diễn đàn theo các chủ đề là các vấn đề nóng như diễn đàn “Các giải pháp chăm sóc và khôi phục đàn đại gia súc sau rét đậm rét hại ở miền núi phía Bắc” tại Lào Cai hay chủ đề về thế mạnh của địa phương như diễn đàn “Phát triển cây lâm sản ngoài gỗ làm nguyên liệu vùng miền núi phía Bắc”. Khuyến nông đã kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ; cung cấp kịp thời các thông tin về chính sách, tiến bộ kỹ thuật thông qua các kênh thông tin như: trang web “Khuyến nông Việt Nam”, bản tin khuyến nông, các ấn phẩm như sách kỹ thuật, tờ gấp, tờ poster, đĩa khuyến nông; tuyên truyền trên các báo viết như báo Nông nghiệp Việt Nam, Nông thôn ngày nay, Kinh tế nông thôn,…; tuyên truyền trên truyền hình, truyền thanh gồm VTV1, VTV2, VTC16, VOV,...

TS Hạ Thúy Hạnh tham gia phần thảo luận

Trong thời gian tới, TS. Hạ Thúy Hạnh kiến nghị: ACIAR hợp tác với hệ thống khuyến nông Việt Nam để nghiên cứu tính phù hợp và áp dụng các kết quả nghiên cứu trong điều kiện của vùng (Về trồng trọt và lâm nghiệp ưu tiên phát triển lâm nghiệp và lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, cây ngô,...; Về chăn nuôi ưu tiên chăn nuôi đại gia súc và nghiên cứu về cây thức ăn, các giải pháp tận dụng cây thức ăn trong chăn nuôi; Về thủy sản, ưu tiên phát triển cá nước lạnh và cá hồ chứa; Các giải pháp bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu), gắn kết lồng ghép trong các dự án khuyến nông vùng Tây Bắc. Một năm tổ chức 01 diễn đàn giới thiệu kết quả nghiên cứu và liên kết sản xuất nông nghiệp vùng Tây Bắc. ACIAR hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và TT khuyến nông các tỉnh Tây Bắc; hỗ trợ đào tạo nông dân từ nguồn các dự án, đào tạo ToT và FFS. Đề xuất xây dựng các mô hình khuyến nông từ kết quả nghiên cứu của ACIAR gắn với lợi thế sản xuất nông nghiệp của vùng Tây Bắc. Hỗ trợ hoạt động thông tin tuyên truyền, nâng cao trình độ nhận thức của nông dân, sản xuất hàng hóa theo chuỗi, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Lữ Hồng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia