Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám phát biểu khai mạc hội thảo
Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, C49 - Bộ Công an, Báo Lao động, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi có uy tín… cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí. 

Năm 2015, vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bùng phát với quy mô lớn và tính chất phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước đã gây hoang mang trong dư luận xã hội và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng. Nếu như năm 2012, phần nhiều chỉ phát hiện việc sử dụng chất cấm ở các cơ sở chăn nuôi nông hộ thì năm 2015 đã phát hiện cả trong các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trong các cơ sở chăn nuôi trang trại lớn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các cơ sở thức ăn chăn nuôi chạy theo lợi nhuận, thiếu hiểu biết về pháp luật, nhiều cơ sở sản xuất không trang bị quy trình sản xuất chuẩn, nguyên liệu không tốt, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm đã sử dụng các chất cấm để kích thích tiêu thụ hàng hóa. Nhiều người chăn nuôi không xác định được mức độ nguy hại, đưa chất cấm vào trong chăn nuôi nhằm trục lợi, gây mất an toàn thực phẩm.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: “…Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ giống nòi Việt Nam mà còn là uy tín quốc gia, thể hiện khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp nói chung. Trong hai năm 2015 và 2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT coi nhiệm vụ quản lý vật tư và vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của Bộ, ngành. Từ 19/10/2015 đến hết tháng 2 năm 2016, Bộ đã tổ chức đợt cao điểm về Vệ sinh an toàn thực phẩm, thanh tra, điều tra và xử lý vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là salbutamon và vàng ô. Kết quả, đợt cao điểm này đã phát hiện, tìm ra nguồn gốc, chặn đứng được việc tuồn chất salbutamol và vàng ô ra thị trường, bước đầu tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi vẫn rất phức tạp, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm. Tại đợt cao điểm này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra 3 trọng điểm là thanh tra, kiểm tra chất cấm; tăng cường công tác truyền thông và kết nối các sản phẩm an toàn có chứng nhận kiểm tra đến với người tiêu dùng. Với các kết quả bước đầu của đợt cao điểm này, năm 2016, Bộ đã quyết định lấy năm 2016 là năm hành động cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm, ngoài việc kiểm soát chất vàng ô và salbutamol còn mở rộng kiểm soát kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ.”

Từ ngày 1/7/2016, Bộ Luật hình sự sửa đổi có hiệu lực thi hành sẽ áp dụng mức xử phạt mạnh tay và mang tính răn đe đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Điều 317 quy định, chỉ cần có hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm đều bị xử lý hình sự với hình phạt cao nhất tới 20 năm tù mà không cần có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như luật cũ quy định. Ngoài ra, mức phạt hành chính có thể lên tới trên 1 tỷ đồng. 

Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, sau 6 tháng vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các mẫu dương tính với chất cấm trong thức ăn chăn nuôi chỉ còn 1,3% so với 5,3%; mẫu nước tiểu chỉ còn 6,1% so với 16,2% các tháng đầu năm 2015. Phần lớn các địa phương ở khu vực phía Bắc và miền Trung không phát hiện các mẫu nước tiểu, mẫu thịt dương tính với chất cấm. Ở phía Nam, số lượng các mẫu nước tiểu dương tính với chất cấm phát hiện tại Đồng Nai chỉ có 2/128 mẫu (1,56%); tại thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 3 cũng chỉ phát hiện được 1,5% số mẫu nước tiểu có dương tính với chất cấm.

Song song với việc thông tin về thực trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe người tiêu dùng, Hội thảo lần này còn khuyến khích và phổ biến các mô hình chăn nuôi, các địa chỉ kinh doanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong thực tế sản xuất đã xuất hiện rất nhiều mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi khép kín từ chuồng trại tới cửa hàng và bếp ăn đảm bảo cung cấp các sản phẩm nông sản chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng mà địa phương nào hiện nay cũng có. Đặc biệt với ý kiến của nhiều chuyên gia và các nhà kinh doanh sẽ là kênh tham khảo để giúp hàng triệu nông dân tìm ra hướng sản xuất mới mang lại hiệu quả cao, an toàn, thân thiện với môi trường. Có như vậy, người tiêu dùng mới không quay lưng lại với nông sản Việt và chúng ta sẽ không mất đi thị trường nông sản đầy tiềm năng - một lĩnh vực mà nông dân Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ.

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia