Tham dự hội thảo có 155 đại biểu đến từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Ban Quản lý Dự án VnSAT trung ương, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ, Sở NN và PTNT Hậu Giang, các doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến nông; Ban quản lý Dự án VnSAT; nông dân chủ chốt của 8 tỉnh: Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai hợp phần ngành hàng lúa gạo thuộc dự án VnSAT. TS. Trần Văn Khởi – Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì hội thảo.

Việt Nam làm một trong 5 nước bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn, 60% diện tích của vùng có khả năng ngập lụt nếu nước biển tăng cao 45 cm. Việc tổ chức hội thảo nhằm giới thiệu một số giải pháp trong canh tác lúa bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; Tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người sản xuất thấy được hiệu quả kinh tế và tính bền vững khi áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa bền vững; Tạo ra môi trường kết nối chặt chẽ, bền vững hơn giữa bà con nông dân trồng lúa và các doanh nghiệp, góp phần làm tăng mối quan hệ chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy bền vững ngành hàng lúa gạo; Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn để khuyến khích nông dân sản xuất lúa theo hướng bền vững, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính.

Các báo cáo tại hội thảo tập trung vào những vấn đề: Hiện trạng sản xuất và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu; Ứng dụng công nghệ 4.0 trong canh tác lúa; Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu; Bài học kinh nghiệm trong triển khai sản xuất lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận nhiều vấn đề xung quanh đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa và đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến canh tác lúa, các quy trình kỹ thuật canh tác lúa theo 1 phải 6 giảm, tiết kiệm nước và ứng phó với biến đổi khí hậu được đưa ra bàn luận. Các lưu ý trong canh tác lúa từ khâu vệ sinh đồng ruộng, giống, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch lúa thế nào tốt nhất cũng như các công thức luân canh như luân canh 2 lúa + 1 màu, 1 lúa + 1 cá, 1 lúa + 1 tôm, hạn chế canh tác 3 vụ lúa, bón phân cân đối, hợp lý, áp dụng tưới ngập khô xen kẽ cho cây lúa qua các giai đoạn sinh trưởng phát triển được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Nhóm chuyên gia sẵn sàng giải đáp các câu hỏi của đại biểu

Bên cạnh đó các đại biểu cũng rất quan tâm đến vấn đề canh tác lúa theo hướng hữu cơ, canh tác lúa theo công nghệ 4.0. Với công nghệ 4.0 trong canh tác lúa các đại biểu được giới thiệu về phao quan trắc thông minh làm tăng khả năng ứng phó với xâm nhập mặn, canh tác lúa ngập khô xen kẽ theo công nghệ 4.0 trong đó có thiết bị cảm ứng mực nước tự động gửi thông tin mực nước lên internet, hệ thống bơm nước thông minh điều khiển bơm nước từ xa với điện thoại di động, phân bón thông minh tan chậm có kiểm soát, bẫy diệt sâu, rầy thông minh và phần mềm quản lý cây lúa cho Việt Nam thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

TS. Trần Văn Khởi đã tổng kết các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất lúa xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu như sau:

Về quản lý:

+ Phân vùng sản xuất lúa thích hợp với thời vụ gieo cấy, giống và phân khúc thị trường của địa phương.

+ Chọn tạo giống lúa có khả năng thích ứng cao với các điều kiện khô hạn, úng, phèn mặn, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất và chất lượng tốt, cứng cây, thích nghi tốt cho cơ cấu mùa vụ của từng địa phương để gieo trồng.

+ Chính sách khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa.

Về khoa học công nghệ:

+ Quy hoạch, xác định thời vụ gieo trồng, cơ cấu giống lúa thích hợp từng vùng sinh thái của đồng bằng sông Cửu Long: vùng phù sa ngọt, vùng mặn hạn, vùng 3 vụ có đê bao.

+ Tiếp tục hoàn thiện quy trình canh tác lúa bền vững cho vùng, khuyến khích nông dân áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất lúa cập nhật nhất như: hạn chế xử lý hóa chất trong xử lý hạt giống, sạ thưa (hàng cách hàng 30 cm), giảm lượng hạt giống gieo sạ, áp dụng máy cấy, bón phân chuyên dụng, chậm tan, ... bằng nhiều hình thức, kể cả hoạt động khuyến nông.

+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong dự tính dự báo điều kiện sản xuất, điều khiển biện pháp chăm sóc để phù hợp với đặc tính cây trồng, làm tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế.

+ Khuyến khích sản xuất và thử nghiệm mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn môi trường.

TS Trần Văn Khởi cũng đề nghị trung tâm khuyến nông các tỉnh thường xuyên cập nhật các thông tin chủ trương, chính sách của nhà nước về hạn, mặn để hướng dẫn nông dân thay đổi phương thức canh tác theo hướng nông nghiệp bền vững, phổ biến sâu rộng các biện pháp kỹ thuật ứng phó với tình hình xâm nhập mặn và khô hạn hiện nay; Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người sản xuất về tác động của biến đổi khí hậu qua các kênh thông tin đại chúng, tổ chức tọa đàm, hội thảo, tập huấn, in ấn tờ rơi, tờ gấp, poster… giúp người dân hiểu được ý nghĩa và vai trò của các hoạt động để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Ban quản lý dự án VnSAT các tỉnh nắm bắt những băn khoăn của người dân, cập nhật tiến bộ mới để áp dụng vào các nội dung hoạt động VnSAT địa phương.

Cán bộ và người dân cần thay đổi tư duy quản lý nông nghiệp theo hướng công nghệ 4.0. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại; sử dụng các thiết bị thông minh được kết nối mạng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để quản lý nông nghiệp an toàn thực phẩm, hiệu quả và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia