Chủ động đề phòng và ứng phó với dịch bệnh lây truyền từ động vật, từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Một sức khỏe Quốc gia phòng chống bệnh truyền lây giữa động vật và người giai đoạn 2016 – 2020 hướng tới 03 mục tiêu: Tăng cường năng lực Một sức khỏe (MSK) để phòng chống các bệnh lây giữa động vật và người nói chung; Đẩy mạnh dự phòng các trường hợp khẩn cấp đối với những bệnh trên người có nguồn gốc động vật và vận dụng các nguyên tắc một sức khỏe nhằm hạn chế tác động đến sức khỏe cộng đồng của các bệnh lây từ động vật được ưu tiên hiện nay.

Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực thực hiện tiếp cận Một sức khỏe tại Việt Nam – pha 2” (SCOH2) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Văn phòng Đối tác MSK thuộc Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức Hội thảo “Xây dựng chiến lược truyền thông MSK trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2019 – 2023” tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại Hà Nội chụp ảnh lưu niệm

Tham dự hội thảo có đại diện đến trung tâm khuyến nông của 11 tỉnh thành phía Nam (hội nghị tại Tp.HCM) và 14 tỉnh, thành phía Bắc (hội nghị tại Hà Nội). Chiến lược truyền thông MSK trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2019 - 2023 thực hiện theo 03 nguyên tắc: Tuân thủ các nguyên lý của chiến lược MSK; Lựa chọn vấn đề truyền thông căn cứ theo các vấn đề đã xác định trong Kế hoạch Chiến lược MSK Quốc gia phòng chống bệnh lây truyền giữa động vật và người giai đoạn 2016 – 2020 và vấn đề mới nổi gần đây; Thiết kế giải pháp và hoạt động truyền thông phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hoạt động khuyến nông.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, huy động sự tham gia của các tổ chức và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện hành vi chăn nuôi an toàn, phối hợp hành động ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh nhằm phòng bệnh lây truyền từ vật nuôi sang người, từ vật nuôi sang vật nuôi và bảo vệ môi trường.

Với 3 nhóm mục tiêu cụ thể và các giải pháp để thực hiện như: nhóm mục tiêu về truyền thông thay đổi hành vi, nhóm mục tiêu về nâng cao năng lực cho mạng lưới cán bộ khuyến nông và cộng tác viên; nhóm mục tiêu truyền thông về tăng cường phối hợp. Theo đó, đối tượng truyền thông là người chăn nuôi, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động chăn nuôi.

Nội dung truyền thông được chọn lọc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hoạt động khuyến nông như: Công tác phòng chống các bệnh dịch có nguồn gốc từ động vật lây sang người, có khả năng gây đại dịch như cúm gia cầm (H5N1, H7N9), virus cúm lợn, bệnh liên cầu lợn…; Sử dụng kháng sinh hợp lý trong chăn nuôi; Quản lý chất thải từ chăn nuôi đúng quy định để phòng chống ô nhiễm môi trường.

Sử dụng 03 phương pháp truyền thông là: Kết hợp sử dụng cả hai phương pháp gián tiếp và trực tiếp thông qua nhiều hình thức truyền thông phù hợp với phương thức hoạt động khuyến nông như phát thanh, truyền hình, báo chí, tập huấn, tham quan, hội thảo…; truyền thông trên mạng xã hội và xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền.

Để bản dự thảo chiến lược truyền thông MSK trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2019 – 2023 được hoàn thiện, các đại biểu đã được phân nhóm để thảo luận, đóng góp ý kiến về mục tiêu, giải pháp và tổ chức thực hiện chiến lược. Qua trao đổi, các nhóm cơ bản đồng ý những nội dung bản dự thảo đưa ra. Tuy nhiên từ thực tế hoạt động khuyến nông ở địa phương, từ đặc thù chuyên môn các nhóm đã có đóng góp thêm những nội dung truyền thông phù hợp với hoạt động khuyến nông hiện nay.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại TP Hồ Chí Minh thảo luận, góp ý cho dự thảo Chiến lược truyền thông Một Sức khỏe

Phát biểu tại hai buổi hội thảo, TS Hà Thúy Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Từ những ý kiến đóng góp này, chiến lược truyền thông Một sức khỏe có thêm nhiều góc nhìn mới, có tính thực tiễn hơn, góp phần tạo tính lan tỏa cho các hoạt động Một sức khỏe trên khắp cả nước

Vân Tâm