Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của các đại biểu đến từ Cơ quan liên hợp quốc về bình đẳng giới (UN women); Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Trồng trọt, Hội Phụ nữ Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường Quản lý cán bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Nghiên cứu Đậu đỗ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam), Hội Nông dân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

 

Trên cơ sở kết quả của 3 mô hình (Mô hình 1. Hỗ trợ nông dân trồng lúa chuyển đổi sang trồng sen và tăng cường tiếp cận thị trường cho sản phẩm sen trồng trên đất lúa bị ngập nước theo tiêu chuẩn VietGAP; Mô hình 2. Hỗ trợ phụ nữ dân tộc H’Mông ở Lào Cai tăng cường tiếp cận thị trường cho cây lạc giống bản địa có khả năng chống chịu cao theo tiêu chuẩn VietGAP; Mô hình 3. Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số ở Lào Cai và tăng cường tiếp cận thị trường đối với chăn nuôi gà bằng phương pháp an toàn sinh học để cải thiện an ninh sinh kế) mà UN Women đã phối hợp với hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai và Phú Yên triển khai năm 2020; các đại biểu cho rằng việc lựa chọn cây sen, cây lạc và con gà để đưa vào mô hình phát triển sinh kế là hoàn toàn thích hợp với đối tượng là phụ nữ dân tộc, người thu nhập thấp. Các bước triển khai mô hình rất rõ ràng từ khâu chọn hộ, chọn điểm (vùng sản xuất), đến tổ chức thực hiện, chứng nhận, tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình triển khai đều đã chú ý đến vấn đề liên kết sản xuất (tổ nhóm phụ nữ); các yếu tố về tăng cường sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, sự tham gia của giới và vấn đề về thích ứng với biến đổi khí hậu đã được lồng ghép trong các mô hình. Đặc biệt các hộ tham gia mô hình về trồng sen đã áp dụng quy trình sản xuất sen theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nhấn mạnh để phát triển và nhân rộng mô hình sinh kế bền vững cho vùng dân tộc thiểu số cần chú ý đến tính toán hiệu quả kinh tế của mô hình, đánh giá tác động của mô hình, đánh giá tác động giới, cũng cần xem xét đến tình hình thực tế của từng địa phương, xây dựng theo lộ trình và tính toán để đạt được hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời các đại biểu cũng góp ý cho nhóm tác giả hoàn thiện tư liệu hoá kết quả của các mô hình, đưa ra các bài học kinh nghiệm để triển khai các mô hình, dự án khuyến nông trong thời gian tới ngày càng tốt hơn và sử dụng kênh truyền thông để cập nhật và lan toả kết quả thực hiện./.

Hộ gia đình tham gia mô hình trồng sen theo VietGAP xã Hoà Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên

 

 
Hộ gia đình tham gia mô hình chăn nuôi gà tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát, Lào Cai

 

Nhóm hộ gia đình tham gia mô hình sản xuất lạc đỏ xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai

 

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông QG