Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện lãnh đạo văn phòng Hội sở chính của FAO, văn phòng FAO tại Việt Nam, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Hà Nội, VAAS, Viện Môi trường Nông nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Công nghệ Châu Á.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tại Hội thảo các chuyên gia đã trình bày và công bố các kết quả thực hiện các chỉ số GBEP cho hai phương thức sản xuất năng lượng sinh học chủ yếu ở Việt Nam là khí sinh học và ethanol tinh luyện từ sắn ở quy mô hộ gia đình, trang trại và công nghiệp: (1) đánh giá các tác động đến môi trường, xã hội và kinh tế; (2) đưa ra khuyến nghị trong việc nâng cao tính bền vững, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hai phương thức này.

Chỉ số GBEP được thiết lập nhằm thực hiện các cam kết được G8 (Nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu của thế giới bao gồm (Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Hoa Kỳ) đưa ra vào năm 2005 để hỗ trợ “triển khai năng lượng sinh khối (biomass) và nhiên liệu sinh học", đặc biệt tại các nước đang phát triển nơi phổ biến sử dụng biomass.

Đây là dự án được FAO thực hiện trong hai năm do Sáng kiến khí hậu quốc tế của Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ và được thực hiện dưới sự chỉ đạo của VAAS. Dự án đã tăng cường năng lực cho Việt Nam để theo dõi các tác động môi trường, xã hội và kinh tế của ngành năng lượng sinh học, thông qua việc thực hiện các chỉ số bền vững của GBEP cho năng lượng sinh học và hỗ trợ kỹ thuật liên quan.

Bằng cách xác định hai lộ trình sinh học ưu tiên - biogas và ethanol từ sắn - và phân tích các tác động môi trường, xã hội và kinh tế liên quan, dự án đã đưa ra các khuyến nghị về cách thức cải thiện tính bền vững, tính hiệu quả và tính cạnh tranh của hai loại năng lượng sinh học này. Điều này sẽ được chuyển biến thành những đóng góp được tăng cường cho việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, đa dạng năng lượng và tạo ra thu nhập. Bên cạnh đó, dự án đã thành lập một Nhóm công tác đa bên với 50 bên liên quan đến từ khu vực công và tư, từ đó thiết lập cơ sở cho việc hình thành một nền tảng quốc gia cho công tác giám sát tính bền vững của ngành năng lượng sinh học về lâu dài.

Các chuyên gia khoa học, các nhà quản lý đã đánh giá cao những kết quả mà nhóm nghiên cứu của FAO đã đưa ra với bộ 24 chỉ số GBEP và những kiến nghị về giám sát và phát triển bền vững năng lượng sinh học ở Việt Nam trong tương lai. Tiến sĩ Maria Michela Morese - đại diện văn phòng Hội sở chính của FAO cho biết, dự án đã cung cấp cho Việt Nam sự hiểu biết về cách thiết lập các phương tiện giám sát định kỳ và dài hạn của ngành năng lượng sinh học trong nước dựa trên các chỉ số GBEP. Việc giám sát định kỳ này sẽ nâng cao kiến thức và hiểu biết về lĩnh vực này, cũng như về cách thức đánh giá những đóng góp của ngành nông nghiệp và năng lượng vào sự phát triển bền vững của quốc gia nói chung. Việc thực hiện các chỉ số GBEP ở Việt Nam cũng cung cấp một loạt các bài học kinh nghiệm về cách thức áp dụng các chỉ số này như một công cụ để phát triển bền vững, cũng như cách thức để nâng cao tính thực tiễn của chúng.

TH

(Theo báo cáo của FAO)