TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó giám đốc TTKNQG, TS. Nguyễn Văn Trọng - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, TS. Pawin Padungtod – Điều phối viên Chương trình ECTAD (FAO Việt Nam) đồng chủ trì hội thảo.

 

 

Tham dự hội thảo có các chuyên gia tham gia biên soạn tài liệu; các giảng viên nguồn; lãnh đạo, cán bộ trung tâm khuyến nông và người chăn nuôi gà tại các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định; đại diện một số viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm dạy nghề, Hội Nông dân, doanh nghiệp, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, cả nước có gần 70% tổng số xã phường có chăn nuôi gia cầm với trên 12 triệu hộ chăn nuôi. Trong đó, trên 65% số hộ nuôi gia cầm ở quy mô nhỏ lẻ, nguy cơ bùng phát và truyền lây các bệnh nguy hiểm rất cao, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, hoá chất còn phổ biến. Vì vậy tổ chức FAO tại Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng 05 bộ tài liệu toàn diện về thực hành tốt và ATSH trong chăn nuôi gia cầm, bao gồm: (1) Thực hành tốt và an toàn sinh học trong các cơ sở ấp nở trứng gia cầm; (2) Thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi đàn gà bố mẹ; (3) Thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi đàn vịt, ngan bố mẹ; (4) Thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi đàn gà thương phẩm; (5)Thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi đàn vịt, ngan thương phẩm. Các bộ tài liệu đã được triển khai tập huấn cho cán bộ khuyến nông, cán bộ chuyên môn trên địa bàn 29 tỉnh/thành và 10 trường đại học, cao đẳng.

Hội thảo đã giới thiệu những hoạt động chính của dự án “Giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối nguy đe dọa đến sức khỏe con người theo chuỗi giá trị động vật - EPT2” do tổ chức FAO hỗ trợ TTKNQG; Giới thiệu bộ tài liệu "Thực hành tốt và ATSH trong chăn nuôi gia cầm; Đánh giá quá trình sử dụng tài liệu và hiệu quả của các khóa tập huấn phổ biến tài liệu; Đồng thời ghi nhận những phản hồi từ việc tập huấn kỹ thuật trong tài liệu và thực tế chăn nuôi tới các chuyên gia tham gia biên soạn tài liệu, các nhà quản lý, hoạch định chính sách.

Toàn cảnh hội thảo

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao bộ tài liệu được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, mang tính thực tiễn cao và dễ áp dụng trong chăn nuôi tại các địa phương. Các đại biểu cũng đề xuất FAO, TTKNQG tiếp tục chuyển tải tài liệu rộng rãi hơn, tăng kinh phí đào tạo, xây dựng bộ tài liệu tương tự cho chăn nuôi lợn.

TS. Nguyễn Văn Trọng nhấn mạnh, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện tốt các quy phạm pháp luật như chính sách chăn nuôi gia cầm, Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14; Nghị định và các Thông tư hướng dẫn chi tiết các Điều của Luật Chăn nuôi; Quy trình thực hành tốt cho chăn nuôi tại Việt Nam (đối với 8 loại vật nuôi); Hướng dẫn thực hiện biện pháp an toàn sinh học tối thiểu  cho cơ sở ấp trứng gia cầm hộ gia đình; QCVN 01-15:2010/BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học...

Theo TS. Pawin Padungtod, FAO sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ NN&PTNT các hoạt động, trong đó có thực hành chăn nuôi tốt, ATSH trong chăn nuôi lợn, gia cầm để giảm nguy cơ dịch bệnh và giảm kháng kháng sinh tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, TS. Hạ Thúy Hạnh kiến nghị Cục Chăn nuôi cần thể chế hóa VietGAHP, ATSH; tổng kết các mô hình cải tiến điều kiện chăn nuôi; tài liệu hóa Luật chăn nuôi, Nghị định, Thông tư. FAO tiếp tục hỗ trợ in ấn tài liệu và tập huấn về thực hành chăn nuôi tốt, ATSH trong chăn nuôi lợn; kháng sinh dùng trong chăn nuôi, kháng kháng sinh; nghiên cứu và đánh giá các mô hình. Trung tâm khuyến nông các tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn, sử dụng tài liệu có hiệu quả. Các giảng viên nguồn cung cấp thông tin, số điện thoại để tổng hợp thành danh sách giảng viên, phục vụ cả các chương trình khác ngoài chương trình do FAO hỗ trợ. Các chuyên gia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TTKNQG triển khai các hoạt động khuyến nông nhằm chuyển giao các công nghệ mới, các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất hiệu quả nhất.

Liên Hương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia