Tham dự hội thảo có 130 đại biểu là đại diện của Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT), UBND tỉnh Nghệ An Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc, Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc, chuyên gia nông nghiệp Hàn Quốc, trường đại học, trung tâm khuyến nông các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa; các viện, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, các công ty kinh doanh, chế biến và xuất khẩu vừng, đại biểu nông dân và hợp tác xã sản xuất vừng tại Nghệ An.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc (KREI) và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về nghiên cứu tiền khả thi để xây dựng dự án ODA sản xuất vừng bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An và một số địa phương khác.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh kỷ niệm

 

Vừng là cây thực phẩm hiện đang được rất nhiều quốc gia quan tâm và có định hướng phát triển do có hàm lượng dầu cao, chất lượng tốt. Cây vừng có thời gian sinh trưởng ngắn, “dễ tính”, ít đòi hỏi thâm canh, có khả năng tận dụng đất đai, mùa vụ, dễ tiêu thụ trên thị trường. Bên cạnh đó, dầu vừng và các sản phẩm từ vừng được một số  thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan,… sử dụng trong chế biến món ăn hàng ngày.

Việt Nam là một trong số các nước trồng nhiều vừng trên thế giới, tuy nhiên sản xuất vừng ở Việt Nam hiện nay đang gặp một số khó khăn, đó là thị trường tiêu thụ và giá không ổn định; các cơ sở, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ và cơ sở thu mua chế biến sản phẩm vừng chưa nhiều, mối liên kết 4 nhà trong sản xuất chưa được phát huy hiệu quả,… Bên cạnh đó, các nghiên cứu về vừng còn rất hạn chế, người dân sản xuất vừng vẫn theo tập quán cũ và chủ yếu tự để giống nên giống dễ thoái hóa, nhiễm sâu bệnh nhiều, năng suất thấp. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường và khắc nghiệt: hạn hán kéo dài, mưa lụt thất thường gây khó khăn từ khâu gieo trồng đến thu hoạch sản phẩm nên người nông dân không mặn mà với cây vừng.         

Hội thảo nhằm đánh giá hiện trạng sản xuất vừng, đề xuất nghiên cứu và phát triển vừng ở Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với Hàn Quốc, làm cơ sở để xây dựng dự án ODA hỗ trợ sản xuất vừng tại Việt Nam.

Với 7 báo cáo tham luận tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về cơ khí hóa canh tác vừng tại Hàn Quốc; hiện trạng và giải pháp phát triển cây vừng ở Việt Nam, vai trò của dịch vụ khuyến nông trong sản xuất vừng bền vững; thảo luận các kết quả nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh và chế biến vừng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và chế biến vừng tại Nghệ An, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chuỗi giá trị vừng và mối liên kết giữa các bên liên quan trong sản xuất vừng. Các đại biểu cũng đề nghị trong thời gian tới cần chú trọng tới khâu chọn tạo giống vừng phù hợp với điều kiện thời tiết từng vừng trên cơ sở phục tráng các giống vừng địa phương và thử nghiệm các giống vừng của Hàn Quốc để đánh giá khả năng thích ứng và tiềm năng năng suất của giống vừng Hàn Quốc tại Việt Nam; Xây dựng mô hình điểm về chuỗi sản xuất vừng liên kết với tiêu thụ sản phẩm, từng bước áp dụng các công nghệ sản xuất để đạt năng suất, chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu nội tiêu và xuất khẩu vừng; Có chính sách khuyến nông, đầu tư và áp dụng hỗ trợ chính sách tài chính để đầu tư cho máy móc, trang thiết bị áp dụng vào sản xuất vừng để giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Các đại biểu thăm mô hình chế biến dầu vừng tại TNHH xuất nhập khẩu Nông lâm thủy sản Sỹ Thắng, xã Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An

 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An cho biết Nghệ An có lợi thế về khí hậu và đất đai để phát triển cây vừng, trung bình hàng năm Nghệ An có 3000 - 4000 ha trồng vừng, năng suất bình quân từ 5-7 tạ/ha, sản lượng đạt 1500 - 2000 tấn vừng/năm, tiêu thụ vừng chủ yếu bán qua thương lái. Công tác chế biến dầu vừng và các sản phẩm từ vừng còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức hội thảo hôm nay và khảo sát xây dựng chuỗi sản xuất vừng tại Nghệ An là cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm góp phần đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, là cơ hội để sản phẩm vừng của Nghệ An có bước chuyển đổi căn bản về số lượng và chất lượng và giá trị thực hiện tốt hơn nữa chuỗi giá trị trong đó có chế biến vừng. Nghệ An cam kết chỉ đạo các Sở, ngành và các đơn vị liên quan tại địa  phương phối hợp chặt chẽ với chuyên gia Hàn Quốc và các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT để khảo sát, xây dựng dự án sản xuất vừng bền vững đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế nhấn mạnh: Hội thảo này có ý nghĩa vô cùng to lớn là tiền đề Hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chào mừng 130 năm Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại quê hương Nghệ An.

Nghệ An có điều kiện thời tiết, đất đai rất phù hợp cho cây vừng phát triển, khả năng mở rộng sản xuất rất lớn. Tuy nhiên trong thời gian gần đây do ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu và sự canh tranh của một số cây trồng khác nên sự phát triển của cây vừng còn nhiều hạn chế. Với mục tiêu phát triển cây vừng trở thành một trong những cây thế mạnh của tỉnh Nghệ An và các vùng lân cận, đồng thời công nghiệp chế biến dầu vừng các sản phẩm từ vừng nhằm gia tăng giá trị cây vừng, từng bước đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của Hàn Quốc và một số thị trường trọng điểm, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã lựa chọn dự án phát triển sản xuất vừng bền vững là một trong những dự án ưu tiên của Bộ và của ngành. Ông cũng tin tưởng rằng với kinh nghiệm của các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Hàn Quốc, giống và công nghệ tiên tiến sẽ giúp Việt Nam và đặc biệt là Nghệ An – quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mảnh đất cằn cỗi luôn đối mặt với bão lũ , hạn hán sẽ phát triển được cây vừng, là cây thế mạnh của địa phương để phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao năng suất, gia tăng giá trị và cải thiện đời sống cho người dân, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững tại Nghệ An.

Ông Jung Kyu Sang - Chuyên gia nông nghiệp Hàn Quốc  phát biểu tại Hội thảo

 

Đánh giá về khả năng triển khai dự án tại Nghệ An, ông Jung Kyu Sang - Chuyên gia nông nghiệp Hàn Quốc cho rằng nông nghiệp Việt Nam cũng giống với nông nghiệp Hàn Quốc trong việc tập trung phát triển ngành nông nghiệp lúa nước truyền thống. Tuy nhiên, gần đây, thông qua chính sách điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp đã làm đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp, sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế cao. Việc sản xuất vừng được triển khai trong Dự án tại tỉnh Nghệ An sẽ là một sản phẩm nông nghiệp phù hợp, đóng góp vào việc phát triển nền nông nghiệp của tỉnh. Ông cũng mong muốn thời gian tới Việt Nam cần giải quyết tốt khâu giống, đổi mới kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa trong sản xuất vừng, triển khai tập huấn kỹ thuật gieo trồng và quản lý cho người dân từ giai đoạn đầu cho đến việc bón phân, sử dụng thuốc trừ sâu với liều lượng thích hợp, tăng năng suất cây trồng. Hỗ trợ vật chất một cách bài bản, có hệ thống để người dân tham gia tích cực vào chuỗi giá trị. Cần tăng cường năng lực cho các Hợp tác xã lấy người dân làm trọng tâm, liên kết với doanh nghiệp gia công để đảm bảo tính giao thương liên tục và bình ổn giá trên thị trường.

Ông Lê Quốc Thanh, giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội thảo

 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đánh giá cao sự quan tâm của các đại biểu về phát triển cây vừng bền vững. Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ cùng với các chuyên gia Hàn Quốc xây dựng khung và các tiêu chí cần đạt cho dự án sản xuất vừng bền vững, lấy Nghệ An là vùng lõi để phát triển dự án, đưa cây vừng của Nghệ An là sản phẩm đặc thù và phát triển thành thế mạnh của tỉnh. Trước mắt Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ đề nghị phía Hàn Quốc trao đổi nguồn gen để xây dựng vườn tập đoàn về giống vừng. Các hợp phần của dự án sẽ bao gồm: hợp phần nghiên cứu, hợp phần sản xuất, chế biến, hợp phần chính sách và thị trường. Các công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc trong sản xuất chế biến vừng sẽ được xem xét và áp dụng phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng vừng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, phục vụ tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn./.

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia