Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh; các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ NN&PTNT và một số tỉnh, thành có liên quan. Về phía lãnh đạo tỉnh Tây ninh có ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Sau khi đi thăm mô hình chọn tạo giống kháng bệnh khảm lá sắn tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, các đại biểu đã về hội trường và nghe báo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Viện Di truyền nông nghiệp và Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh.

Tại Hội nghị, Cục BVTV đã báo cáo tình hình bệnh khảm lá sắn, đánh giá công tác chỉ đạo trong thời gian qua và giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới. Theo báo cáo, diện tích trồng sắn năm 2020 của cả nước là 421.059 ha (phía Bắc: 69.743 ha, Khu 4: 55.352 ha, miền Trung: 215.890 ha và phía Nam: 80074 ha), sắn giai đoạn phát triển củ và thu hoạch. Các giống trồng phổ biến: KM 94, KM140, KM419, HL-S 11,... Tình hình bệnh khảm lá sắn đến tháng 11/2020 là 52.179,55 ha (chiếm 12,39 %) diện tích trồng sắn), nhiễm nặng: 7.174,5 ha. Bệnh đang gây hại tại 20 tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế. Cục BVTV cũng đã báo cáo toàn bộ quá trình bệnh virus khảm lá sắn xâm nhập, lây lan và gây hại tại Việt Nam cũng như công tác chỉ đạo phòng chống bệnh từ năm 2017 đến nay. Tuy nhiên, bệnh khảm lá sắn không giống như các loại sinh vật gây hại khác, vấn đề giống kháng bệnh là quan trọng để phòng chống bệnh. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo nghiên cứu giống kháng bệnh từ rất sớm và giao Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

GS.TS Lê Huy Hàm - nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam cho biết, từ tháng 10/2018 đến nay tại huyện Tân Biên và Tân Châu tỉnh Tây Ninh, Viện đã phối hợp triển khai đánh giá tập đoàn giống sắn trong nước và nhập nội, kết hợp đánh giá năng suất, tinh bột và khả năng kháng bệnh khảm lá dưới áp lực bệnh tự nhiên trên đồng ruộng. Kết quả khảo nghiệm trên tổng 157 dòng giống sắn nhập nội và hơn 250 dòng giống giống sắn trong nước đã thu được 08 dòng/giống kháng bệnh vượt trội, có năng suất, tinh bột cao (trên 50 tấn/ha). Kết quả ghi nhận của Viện Di truyền nông nghiệp xác định giống HN3 và HN5 là 2 giống triển vọng nhất. Tuy nhiên, 2 giống này có nhược điểm là phân cành cao nên mật độ trồng thấp dẫn đến năng suất có thể không cao như một số giống đang được trồng phổ biến hiện nay tại địa phương. Đây là vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới.

Giống sắn HN3 có triển vọng kháng bệnh khảm lá

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - ông Trần Văn Chiến cho biết, bệnh khảm lá sắn được phát hiện gây hại lần đầu tại Tây Ninh vào tháng 5/2017 trên địa bàn xã Tân Hà, huyện Tân Châu, sau đó lây nhanh qua hom giống, côn trùng môi giới là bọ phấn trắng, gây hại trên 90% diện tích sản xuất.

Tại Hội nghị còn có ý kiến phát biểu của các đại diện đến từ tỉnh Đồng Nai, Phú Yên, Bình Phước và Đắk Lắk. Các đại biểu đánh giá nguyên nhân, đưa ra giải pháp và kinh nghiệm trong công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn phát biểu: Từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực rất nhiều trong công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn. Đến nay, tuy mức độ tỷ lệ bệnh có giảm nhưng diện tích nhiễm vẫn tiếp tục tăng. Rõ ràng áp lực phòng chống dịch bệnh chịu sức ép quá lớn và vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Thứ trưởng đề nghị Cục BVTV tiếp tục cập nhật tình hình, các quy trình từ kinh nghiệm của từng địa phương; xây dựng quy trình chăm sóc và phun thuốc phòng trừ môi giới truyền bệnh, luân canh cây trồng, loại bỏ giống nhiễm nặng, khuyến cáo sử dụng giống nhiễm nhẹ. Để có được giống kháng bệnh nhằm cắt đứt nguồn lây lan, đề nghị Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phối hợp trong việc nghiên cứu chuyển gen kháng bệnh, tạo giống sạch bệnh đưa vào sản xuất. Mặt khác, Cục Trồng trọt cần sớm hỗ trợ trong việc hướng dẫn các thủ tục để nhóm tác giả công bố giống hợp quy để phổ biến, trước mắt là 2 giống HN3 và HN5. Đồng thời cũng cần có quy trình canh tác riêng cho 2 giống này để cải tạo sự phân cành của cây, làm tăng năng suất và tinh bột. Tiếp tục nghiên cứu giống kháng bệnh để bổ sung vào bộ giống kháng. Đề nghị Cục Trồng trọt và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiến hành thực hiện thêm các khảo nghiệm, mô hình trình diễn nhân giống đáp ứng nhu cầu sản xuất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhanh, rộng rãi và có hiệu quả thông qua hình thức mở nhiều lớp tập huấn, hội nghị và qua các phương tiện truyền thông về mức độ nguy hại của bệnh cũng như phương pháp phòng trừ. Đề nghị các địa phương làm tốt công tác kiểm dịch thực vật, ngăn cản việc vận chuyển giống nhiễm bệnh, áp dụng luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật để ngăn chặn bệnh tiếp tục lây lan; rút kinh nghiệm từ các địa phương là đưa biện pháp quản lý tổng hợp bệnh khảm lá sắn có hiệu quả trong công tác phòng trừ bệnh khảm lá sắn.

Lê Thị Hồng

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai