Mục tiêu cuộc họp là cập nhật thông tin của Ban Thư ký ASEAN về Hội nghị quan chức cấp cao nông lâm nghiệp ASEAN (SOM-AMAF); rà soát tiến độ thực hiện khung chính sách liên quan đến hợp tác ASEAN trong đào tạo nông nghiệp và khuyến nông năm 2019, 2020 và xác định các hoạt động ưu tiên năm 2021, xây dựng kế hoạch hành động về hợp tác ASEAN trong lĩnh vực đào tạo nông nghiệp và khuyến nông giai đoạn 2021-2025.

Theo thông tin của cuộc họp, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 các hoạt động đã đặt ra như: Khóa đào tạo về phúc lợi động vật và kiểm soát dịch bệnh động vật bền vững tại Việt Nam; Hội thảo về Phương pháp tiếp cận mở rộng chiến lược hướng tới duy trì sản xuất nông sản tại Malaysia; Tuần lễ nông dân ASEAN tại Indonesia; Tham quan học tập du lịch sinh thái tại Philippines; Tham quan học tập về ứng dụng GIS tại Văn phòng Khuyến nông - Thái Lan; Tham quan học tập về thúc đẩy doanh nghiệp cộng đồng; Tập huấn về quản lý trang trại, hội thảo về Mạng lưới Thanh niên nông trại ASEAN, trại hè ASEAN tại Thái Lan… đều bị hủy bỏ.

Cũng tại cuộc họp, các đại biểu được thông tin về Dự án phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực liên quan đến thực phẩm thông qua hợp tác với các trường đại học trong khu vực ASEAN (Dự án HRD). Được biết, dự án đã kết thúc giai đoạn 2 vào giữa năm 2020 và sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 với mục tiêu là phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực liên quan đến thực phẩm.

Năm 2021, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, các nước sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động theo kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025, đó là: Thái Lan dự kiến tổ chức đoàn tham quan học tập về thúc đẩy quản lý đất và phân bón theo cách tiếp cận khuyến nông vào tháng 11-12/2021 tại Chiềng Mai; CHDCND Lào tổ chức tuần lễ nông dân về khuyến nông xanh…

Hội thảo tăng cường hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông tổ chức tại Việt Nam

 

Tại cuộc họp, đại diện các nước thành viên ASEAN đã chia sẻ thông tin về đào tạo nông nghiệp và khuyến nông. Điển hình như Chương trình đào tạo để phát triển năng lực, phương pháp tiếp cận ‘Công nghệ xanh’ của Vương quốc Bru-nây; Chương trình hành động của Indonesia về đào tạo và khuyến nông, trong đó chú trọng đào tạo online để phát triển năng lực nông dân và cán bộ khuyến nông; Malaysia áp dụng Hệ thống thông tin không gian địa lý và viễn thám (GIS) để quản lý 12 vùng sản xuất lúa bằng cách quản lý cơ sở dữ liệu tích hợp thu được từ vệ tinh; Chợ Nông sản trực tuyến của Thái Lan trong việc đối phó với tác động của đại dịch Covid-19 đối với các sản phẩm nông nghiệp; Các chính sách về cải cách dịch vụ khuyến nông để thực hiện dịch vụ khuyến nông theo nhu cầu, hợp tác PPP trong hoạt động khuyến nông của Việt Nam…

Hội thảo "Vai trò của Khuyến nông trong việc tăng cường hệ thống đổi mới nông nghiệp" ở Malaysia

 

Các đại biểu tham dự họp ghi nhận và ủng hộ sáng kiến của Thái Lan trong việc xây dựng và phát triển trang web AWGATE. Các đại biểu cũng nhất trí rằng trang web có thể là một nền tảng quan trọng để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm tốt nhất về khuyến nông các nước ASEAN và đề cử Thái Lan là đầu mối phát triển trang web này. Thái Lan sẽ cung cấp tên người dùng và mật khẩu cho các đầu mối quốc gia các nước thành viên ASEAN.

Hội nghị đã thông qua kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 và nhất trí đệ trình lên hội nghị cấp cap SOM-AMAF 42. Các hoạt động bao gồm tập huấn/ hội thảo online về chế biến nông sản, sản xuất rau, dâu tây hữu cơ (Indonesia); Thực hành chăn nuôi tốt (Việt Nam); Khởi nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực nông nghiệp (CHDCND Lào); Các hoạt động gồm tham quan học tập về nông nghiệp chính xác đối với đất, nước và bảo vệ thực vật; Thúc đẩy quản lý đất và phân bón theo cách tiếp cận khuyến nông của trung tâm quản lý đất - phân bón cộng đồng, tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp trên ngôdo Thái Lan thực hiện.

Theo kế hoạch tổ chức họp luân phiên, Indonesia sẽ là nước đăng cai tổ chức Hội nghị AWGATE lần thứ 28 vào năm 2022.

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia