Hội nghị có sự tham dự của đại diện Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; các ban, bộ, ngành liên quan; UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; các Học viện, Trung tâm, đơn vị, doanh nghiệp liên quan. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

 

Báo cáo của Cục Thú y tại Hội nghị cho thấy, mục tiêu chung của Đề án ngành thú y trong giai đoạn 2021 - 2030 hướng đến kiện toàn, củng cố và nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tại địa phương bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực phù hợp với thực tiễn, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật; nâng cao năng lực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật; nâng cao năng lực quản lý thuốc thú y; tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật Thú y, đây là hành lang pháp lý quan trọng để ngành Thú y có cơ sở tổ chức triển khai nhiệm vụ quản lý chuyên ngành thú y. Từ năm 2018 đến nay, các địa phương đã sắp xếp lại hệ thống thú y các cấp. Cụ thể có 7/63 tỉnh, thành phố sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh với các đơn vị khác của ngành nông nghiệp cấp tỉnh; 36/63 tỉnh, thành phố sáp nhập Trạm Thú y với các đơn vị khác của ngành nông nghiệp cấp huyện và chuyển thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp do UBND cấp huyện quản lý. Hiện có khoảng 6.400 người làm trong thú y tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã bị cắt giảm, nghỉ việc. Những thay đổi này đã dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ quản lý chuyên ngành thú y các cấp.

Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030 triển khai với 4 dự án theo danh mục ưu tiên. Cụ thể gồm: (1) Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người; (2) Tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật; (3) Nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vắc-xin thú y bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả; (4) Đầu tư, nâng cấp, tăng cường năng lực quản lý, hệ thống các phòng thí nghiệm chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo hội nghị

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tại Việt Nam, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm đã xảy ra ở diện rộng, gây tổn thất rất lớn về con người và kinh tế, điển hình như: cúm gia cầm, cúm lợn, bệnh dại, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục… Đặc biệt, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang gây tổn thất rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng là rào cản kỹ thuật rất lớn đối với xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật từ Việt Nam sang các nước. Thứ trưởng nhấn mạnh, nếu xây dựng được hệ thống thú y sẽ phòng chống được dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây sang người, quản lý dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, quản lý giết mổ, an toàn thực phẩm, quản lý thuốc, đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Nội vụ sẽ thống nhất về Đề án ngành thú y và có hướng dẫn cụ thể các địa phương trong thời gian tới. Đặc biệt, ngành chăn nuôi thú y cần chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái, đẩy mạnh xúc tiến thương mại xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.

Trong khuôn khổ hội nghị, báo cáo về công tác phòng chống bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò, Cục Thú y cho biết, tính từ tháng 10/2020 đến nay, cả nước xảy ra 950 ổ dịch tại 917 xã thuộc 151 huyện của 25 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 22.397 con, trong đó đã tiêu hủy là 1.761 con. Trong thời gian tới, bệnh VDNC có thể sẽ xuất hiện tại nhiều địa phương. Hiện nay, cả nước có 761 ổ dịch tại 126 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày. Tổng số gia súc mắc bệnh là 20.478 con, số gia súc đã tiêu hủy là 1.525 con.

Ngay khi có thông tin về dịch bệnh VDNC xuất hiện tại Trung Quốc vào tháng 7/2020 và nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC, thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương để phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo xử lý các ổ dịch cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan diện rộng. Tổ chức 6 hội nghị, hội thảo về công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh VDNC, đồng thời đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả và chủ động. Chỉ đạo Cục Thú y chủ động phối hợp với các Viện nghiên cứu, học viện và các doanh nghiệp có tiềm năng, kinh nghiệm để tổ chức nghiên cứu đặc điểm dịch tễ từ đó làm cơ sở để nghiên cứu, sản xuất vắc - xin phòng bệnh.

Hải Đường