NNHC là hệ thống đồng bộ hướng tới việc thực hiện các quy trình sản xuất với kết quả là đảm bảo hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt và công bằng xã hội; là hệ thống sản xuất không sử dụng hoặc loại trừ các chất hóa học tổng hợp trong các vật tư đầu vào (không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, các chất kích thích sinh trưởng và sinh vật biến đổi gen).

Trên thế giới, NNHC thật sự phát triển nhanh từ những năm cuối thế kỷ 20. Đến nay đã có 179 quốc gia thực hiện phương thức sản xuất NNHC với diện tích đất sản xuất năm 2015 là 50,9 triệu hecta. Thị trường toàn cầu về thực phẩm hữu cơ phát triển rất nhanh trong những năm gần đây, năm 2000 là 17,9 tỷ USD, đến năm 2015 đạt 81,6 tỷ USD (tăng hơn 4,5 lần). Trong Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia châu Á phát triển NNHC lần thứ 2 tại Goesan, Hàn Quốc năm 2016, các đại biểu của 14 nước châu Á đã thống nhất chọn ngày 19/9 hàng năm là ngày hữu cơ châu Á và tổ chức lễ kỷ niệm tại các quốc gia.

Phát biểu phát động hưởng ứng ngày nông nghiệp hữu cơ châu Á lần thứ nhất - năm 2017, ông  Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam cho biết, sự phát triển về dân số và các cuộc cách mạng công nghiệp dẫn đến một nền sản xuất nông nghiệp hơn nửa thế kỷ qua chỉ tập trung chủ yếu sử dụng các nguyên liệu đầu vào hóa chất tổng hợp. Đây là nguyên nhân làm đất thoái hóa nghiêm trọng, môi trường ô nhiễm, người sản xuất lẫn người tiêu dùng ngày càng gia tăng các vụ ngộ độc từ thức ăn hàng ngày không an toàn, bệnh hiểm nghèo tăng chưa có điểm dừng… Từ năm 1998, Hội làm vườn Việt Nam, tổ chức ORION (Thụy Điển) tài trợ và tổ chức CIDSE tư vấn kỹ thuật đã xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Sản phẩm chè Tức Tranh đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn IFOAM và chè hữu cơ đã tiêu thụ trên thị trường. Ông  Hà Phúc Mịch khẳng định, đây là mô hình sản xuất hữu cơ sớm nhất Việt Nam và Thái Nguyên chính quê hương của cội nguồn NNHC trong thời kỳ mới.

Đến nay, nước ta có 30 tỉnh thành đã có mô hình sản xuất NNHC, tốc độ tăng trưởng nhanh cả về quy mô, sản lượng, giá trị và chủng loại sản phẩm hữu cơ (diện tích đất sản xuất hữu cơ là gần 77 nghìn ha - năm 2015). Hiệp hội NNHC Việt Nam hiện có hơn 600 hội viên.

Về phía tỉnh Thái Nguyên, cuối năm 2016 tỉnh Thái Nguyên đã tập trung triển khai từng bước đưa NNHC ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại tỉnh. UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị địa phương triển khai đẩy mạnh sản xuất NNHC.

UBND tỉnh đã hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè hữu cơ, chè an toàn; đã kí kết hợp tác với tập đoàn Quế Lâm để thúc đẩy phát triển sản xuất NNHC trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào một số cây trồng vật nuôi chủ lực như: chè, lúa gạo, rau, cây ăn quả, lợn, gà; tổ chức liên kết cung cầu sản phẩm nông nghiệp an toàn tỉnh Thái Nguyên năm 2017 để tạo đầu ra cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng hữu cơ, an toàn. Bên cạnh đó năm 2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký kết chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ đến năm 2020 với Đại học Thái Nguyên.

Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Trần Thanh Nam đã đề nghị, các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch phát triển NNHC của địa phương, trong đó chú ý đến quy hoạch xác định vùng sản xuất NNHC, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Hiệp hội NNHC Việt Nam cần tiếp tục phát huy kinh nghiệm đạt được, đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách về NNHC, tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ cho hội viên, đồng thời tham mưu đề xuất các chính sách, phản biện khoa học về NNHC khi có yêu cầu. Các doanh nghiệp xây dựng thực hiện các dự án, mô hình sản xuất NNHC theo chu trình khép kín. Doanh nghiệp phải trở thành mô hình nòng cốt dẫn dắt tạo ra nhiều sản phẩm hữu cơ đa dạng, hiệu quả kinh tế. Đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu - hội nhập quốc tế. Các mô hình kinh tế khác như hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nhóm nông dân... không ngừng sáng tạo, năng động để đa dạng mô hình sản xuất hữu cơ phù hợp với sản xuất cây con đặc sản thế mạnh của địa phương, góp phần tăng nhanh sản phẩm hữu cơ. Các địa phương, đơn vị, hộ gia đình thực hiện đầy đủ các chính sách của nhà nước về phát triển NNHC. Chú trọng thực hiện theo Tiêu chuẩn sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ. Lồng ghép có kết quả các chương trình phát triển kinh tế xã hội (chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững) để phát triển NNHC, đồng thời quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác quốc tế./.

Dương Trung Kiên   

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên