Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại DIễn đàn

 

Diễn đàn có sự tham gia của các đơn vị sản xuất, đơn vị kết nối tiêu thụ sản phẩm, các điểm giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn; thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp phân phối và tiêu thụ sản phẩm; trung tâm thương mại, siêu thị, các sàn thương mại điện tử…

Tại diễn đàn, đại diện 10 chủ thể đã giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn, chủ lực, thiết yếu đến thời vụ thu hoạch cần tiêu thụ của các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội. Các đơn vị sản xuất mong muốn sẽ kết nối với các đơn vị kinh doanh tiêu thụ sản phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân Thủ đô. Điều này nhằm khắc phục đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn thành phố trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19. Điểm đặc biệt là đã có 5/10 chủ thể là cán bộ lãnh đạo Phòng Kinh tế của các huyện trực tiếp giới thiệu nông sản chủ lực của huyện với mong muốn tiêu thụ được sản phẩm cho bà con nông dân tại thời điểm khó khăn này.

Ông Dương Bá Mẫn, Trưởng phòng kinah tế huyện Thanh Oai mong muốn thông qua diễn đàn sẽ hỗ trợ tiêu thụ cho bà con tại địa phương hai sản phẩm: trứng vịt (sản lượng 16.800 quả/ngày) và trứng gà đỏ (sản lượng 14.000 quả/ngày). Các sản phẩm đều đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao hoặc đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm - Hoàng Thị Thúy Nga giới thiệu tới các đại biểu tham dự diễn đàn 4 sản phẩm chủ lực của huyện cần được tiêu thụ là: 100 tấn nhãn chín muộn, cần tiêu thụ 10 tấn/ngày; 50 tấn củ cải Lệ Chi, cần tiêu thụ 3 tấn/ngày; 10 tấn rau gia vị, cần tiêu thụ 1- 1,5 tấn/ngày; 45 tấn chuối tây, chuối tiêu.

Bà Hoàng Diệu Thu – Đại diện Phòng Kinh tế huyện Ba Vì giới thiệu các sản sản phẩm chủ lực của huyện Ba Vì bao gồm: sữa tươi và các sản phẩm chế biến từ sữa; 20.000 con gà đồi Ba Vì, 500 kg tinh bột nghệ nếp đỏ, 13 tấn mật ong. Các sản phẩm đều đã đạt tiêu chuẩn OCOP, chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc đạt chứng nhận VietGAP.  

Đại diện huyện Phú Xuyên mong muốn thời gian tới, huyện sẽ tiêu thụ được các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu của địa phương như bưởi Thồ, bưởi Diễn, chuối, rau cần, cá và sachi.

Còn huyện Mê Linh giới thiệu các sản phẩm có thế mạnh chủ lực bao gồm: chuối tây, chuối tiêu, trứng cút, bưởi đỏ, hoa đào, hoa sen.

Là một trong những doanh nghiệp tự đi tiếp thị sản phẩm của mình, ông Trần Hữu Khoa - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành, huyện Quốc Oai cho biết: Diện tích trồng nhãn chín muộn Đại Thành là trên 200 ha thì có trên 50 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2021, được đánh giá là năm được mùa nhãn, sản lượng nhãn của hợp tác xã là trên 2.500 tấn; tuy nhiên, thời gian thu hoạch nhãn lại vào đúng thời điểm thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19. Nhãn được tiêu thụ chính tại thị trường tự do, chưa có hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù, đã được các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội hỗ trợ nhưng đến nay vẫn còn khoảng 2.000 tấn chưa thu hoạch và đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ.

Các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản, thực phẩm an toàn, chủ lực, thiết yếu tới các đại biểu

 

Trong khuôn khổ diễn đàn, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, ban ngành cũng đã thảo luận sôi nổi để đưa ra những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm sản phẩm OCOP nông sản, thực phẩm an toàn.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, cảm nhận về nhãn quan thì tất cả các sản phẩm đều đủ điều kiện tham gia các kênh bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, để tham gia thị trường trên tất cả các kênh thì phải tuân thủ các điều kiện chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành sản phẩm.

Còn ông Paul Le, Phó chủ tịch tập đoàn Central Retail Việt Nam, doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị Big C cho biết: “Central Retail sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP theo hai hướng. Thứ nhất, là tạo một số hội thảo giới thiệu, marketing sản phẩm tại thị trường Việt Nam và thế giới. Thứ 2, sử dụng hệ thống siêu thị với thương hiệu Big C để hỗ trợ sản phẩm OCOP. Tại Thái Lan chúng tôi cũng đã có dự án về OTOP, đây là chương trình thành công. Chúng tôi cũng tin tưởng OCOP Việt Nam cũng là một dự án thành công.”

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng: “Chúng ta đang ở một thời điểm rất đặc biệt, cũng có thể coi là thời điểm bất bình thường trong tác động của COVID -19. Chính vì thế cần có những đổi mới để ứng phó với bối cảnh bất bình thường này. Chúng tôi vừa qua cũng đã dữ liệu hóa toàn bộ 32 tỉnh thành phía Bắc về chuỗi nông sản an toàn, thống kê về sản lượng, nhu cầu thực tế và mức độ tiêu dùng của người dân của từng địa phương để chuẩn bị cho những kịch bản khác nhau. Chẳng hạn như, vấn đề tự cung tự cấp của Hà Nội một ngày, một tháng là bao nhiêu, hay từng địa phương của các tỉnh phía Bắc là bao nhiêu. Để chúng ta phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, thậm chí là chi viện cho các tỉnh phía Nam. Đây là nhiệm vụ cấp bách mà có tính lâu dài.”

Để tăng cường hỗ trợ các nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản thực phẩm an toàn kết nối tiêu thụ sản phẩm; Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN, Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu và Phát triển cộng đồng sẽ tổ chức mô hình thí điểm “Chợ đêm trên mây”. Chương trình được tổ chức vào 20 giờ 30, thứ 6 hàng tuần qua hình thức trực tuyến, bán các sản phẩm nông sản địa phương (OCOP) của TP Hà Nội. Chương trình nhằm giúp các chủ thể sản xuất chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp.

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia