Đây là sự kiện hợp tác quốc tế thứ 3 trong năm 2018 do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức, sau Hội nghị ca cao ASEAN lần thứ 21 và Hội nghị thường niên nhóm công tác ASEAN về đào tạo nông nghiệp và khuyến nông lần thứ 25.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các học viên chụp ảnh lưu niệm

Khóa tập huấn diễn ra trong 7 ngày từ ngày 20 - 27 tháng 8 với sự tham dự của 30 học viên đến từ 5 quốc gia, bao gồm: Lào, Malaysia, Philipine, Thái Lan và Việt Nam. Trong thời gian diễn ra khóa tập huấn, các học viên sẽ chia sẻ kinh nghiệm sản xuất chè của nước mình. Sau đó là các buổi học lý thuyết về giống và kỹ thuật nhân giống chè; chăm sóc chè giai đoạn kiến thiết cơ bản và chăm sóc chè giai đoạn kinh doanh; quản lý sâu bệnh hại chè; thu hoạch, sơ chế, bảo quản chè; sản xuất chè bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, học viên sẽ được thực hành kỹ thuật nhân giống chè; nhận biết, phòng trừ sâu bệnh hại chè tại hiện trường và thăm mô hình sản xuất chè.

Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, TS. Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Cây chè đã có mặt ở Việt Nam cách đây gần 3000 năm, vì vậy Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong sản xuất chè cũng như văn hóa thưởng thức trà đã có mặt ở Việt Nam từ rất lâu đời. Với gần 130 nghìn ha diện tích trồng chè, sản lượng chè của Việt Nam đạt 1 triệu tấn/năm. Việt Nam hiện là nước sản xuất chè đứng thứ 7 và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu khoảng 140 nghìn tấn chè khô, trị giá 230 triệu USD. Sản phẩm chè của Việt Nam đã được giới thiệu tới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với các thị trường chính là Pa-ki-xtan, Đài Loan, Nga, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Hoa Kỳ… Thời gian tới, Việt Nam sẽ cải thiện giống chè, đưa giống mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất, phát triển hài hòa chè ở các vùng khác nhau để sản xuất chè xanh, chè đen, chè Ô long; tăng giá giá trị cho chè xuất khẩu của Việt Nam. Một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là tổ chức cho nông dân sản xuất chè theo tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, Chứng nhận UTZ, Rainforest Alliance…”

TS. Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Trong phần phát biểu chào mừng các học viên, TS. Đặng Văn Thư, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã có phần giới thiệu về cơ cấu tổ chức và một số kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nổi bật của Viện. Trụ sở chính của Viện tại xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ - nơi các học viên sẽ có phần lớn thời gian học và thực hành tại đây, có diện tích 250 ha. Với thời gian 100 năm thành lập, Viện hiện đang lưu giữ tập đoàn quĩ gen của 170 giống chè, 273 giống cây ăn quả (13 loài), 300 giống lúa cạn, gần 150 giống cao su và một số mẫu giống các cây trồng quí hiếm khác trong vùng, được thu thập trong và ngoài nước. Viện có phòng thí nghiệm phân tích đất và chất lượng nông sản, phòng nghiên cứu công nghệ sinh học và 2 xưởng chế biến phục vụ nhu cầu nghiên cứu và phát triển cây trồng nông lâm nghiệp cho các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc. Những kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nổi bật của Viện, đặc biệt là các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè đã thu hút sự quan tâm của các học viên đến từ Malaixia, Lào và Philipine. Nhiều câu hỏi về việc trồng xen chè với cây ăn quả, trồng chè dưới tán cây, cách quản lý sâu bệnh trong sản xuất chè và tiến bộ kỹ thuật trong thu hái chè bằng máy từ các học viên nước bạn đã được TS. Nguyễn Văn Thư trả lời thỏa đáng.

Hy vọng rằng khóa tập huấn lần này sẽ mang lại nhiều kiến thức, kỹ năng trong sản xuất chè bền vững cho các học viên. Đồng thời, qua đây cũng sẽ giúp các học viên của Việt Nam học hỏi được nhiều kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp từ các nước bạn, đúng theo tinh thần đoàn kết, chia sẻ và hợp tác mà các quốc gia ASEAN đang hướng tới. 

Các học viên tham quan vườn bảo tồn tập đoàn giống chè của Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia