Sự kiện diễn ra từ 14 - 17/12/2019, do UBND Tp. Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhằm góp phần đẩy mạnh hợp tác, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của thủ đô với các tỉnh, thành trong cả nước.

Các Đại biểu danh dự cắt băng khai mạc sự kiện

Đã có 300 gian hàng của 185 đơn vị đăng ký tham gia, trong đó 133 đơn vị của Tp. Hà Nội; 49 đơn vị là Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh...của 18 tỉnh/thành trên cả nước; 03 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT. Các gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn được sắp xếp theo các khu như: Khu giới thiệu máy móc, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; Khu giới thiệu các sản phẩm tiềm năng đăng ký tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Tp. Hà Nội; Khu trưng bày giới thiệu các sản phẩm làng nghề; Khu trưng bày, giới thiệu nông sản của các tỉnh bạn; Khu triển lãm Hà Nội bốn mùa hoa…

Các đại biểu thăm gian hàng của Viện Rau quả - Bộ NN & PTNT

Các đại biểu thăm gian hàng của tỉnh Điện Biên

Các đại biểu thăm gian hàng của tỉnh Phú Thọ với đặc sản bưởi Đoan Hùng

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp. Hà Nội - Nguyễn Văn Sửu cho biết, thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội đã và đang được phát huy, tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong hội nhập, góp phần nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của Thủ đô, tạo bước đà quan trọng để Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình OCOP. Định hướng trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Thành phố tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Với định hướng trên, việc tổ chức Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề là thực sự cần thiết nhằm quảng bá, tôn vinh, kết nối, thu hút và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và làng nghề Hà Nội. Qua đó, khuyến khích người sản xuất tạo ra khối lượng sản phẩm lớn đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dân và du khách.

Đánh giá cao công tác tổ chức Fesival của thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sự kiện là dịp để Hà Nội quảng bá văn hóa thông qua các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tiêu biểu tới nhân dân cả nước và du khách quốc tế. Fesival cũng là cơ hội thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có tiềm năng nhằm tạo thành sản phẩm OCOP, đặc biệt là những sản phẩm của các làng nghề. Bộ trưởng cũng khuyến nghị Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp, người dân chuẩn hoá quy trình sản xuất trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cùng với đó, kiên trì, liên tục đổi mới, sáng tạo, làm tốt công tác nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng để tạo ra các sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Lãnh đạo Trung tâm KNQG và Sở NN&PTNT Hà Nội trao kỷ niệm chương cho các đơn vị tham gia

 

Tại sự kiện, Ban Tổ chức đã công bố Quyết định số 7095/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố Hà Nội (đợt 1). Theo đó, thành phố công nhận 11 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 13 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 2 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đề nghị Trung ương công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

Tại sự kiện còn có các hoạt động bên lề như:

-  Lễ ký kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận trong việc sản xuất, xây dựng kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm;

- Hội nghị đánh giá kết quả chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội năm 2019 và định hướng phát triển chế biến nông sản gắn với thị trường;

- Hội thi sinh vật cảnh và vinh danh các nghệ nhân;

- Hội thảo về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái;

- Trình diễn tay nghề của các nghệ nhân đến từ các làng nghề nổi tiếng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hoa Trà