Tại Thừa Thiên Huế, đoàn đã được giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh báo cáo một số nội dung sau:

- Việc xây dựng sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ thuộc địa bàn 04 huyện và 02 thị xã (Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới, thị xã Hương Trà và Hương Thủy): đã ký hợp tác liên kết với các công ty để tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ đối với các hợp tác xã, lâm hộ trồng rừng có quy mô nhỏ và thành viên hợp tác xã; đã thành lập được 25 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững, mỗi hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cụ thể và rõ ràng, sản xuất gắng với liên kết theo chuỗi giá trị.

- Đối với việc xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ: Một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Thừa Thiên Huế khá hiệu quả như mô hình trồng lúa hữu cơ với diện tích trên 300 ha; mô hình trồng cây đỗ tương với diện tích 200 ha, mô hình trồng dưa hấu tại huyện A Lưới và Quảng Điền.

- Đối với mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ đã hình thành 1 HTX với 40 thành viên, quy mô 250 lợn nái và 5000 lợn thịt, đã hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như chuỗi giá trị thịt lợn theo hướng hữu cơ, chuỗi giá trị sản xuất lúa, gạo hữu cơ, các chuỗi sản xuất nông sản khác.

- Về chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt, công nhận cho 25 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 06 sản phẩm 4 sao và 19 sản phẩm 3 sao. Sau ngày 20/11/2021 Hội đồng cấp tỉnh đánh giá xếp hạng thêm 10 sản phẩm nâng tổng số lên 35 sản phẩm. Riêng 3 dự án sản phẩm OCOP 5 sao đang tiếp tục hoàn thiện và tỉnh sẽ tổ chức đánh giá vào giữa tháng 12/2021.

- Đối với chương trình khuyến nông, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt chương trình khuyến nông giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các hoạt động khuyến nông tập trung vào các chương trình nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi chủ lực có thế mạnh của tỉnh, các tiến bộ kỹ thuật mới đặc biệt là các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học, phương pháp canh tác mới, cơ giới hóa; liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. 

Đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh khẳng định, Thừa Thiên Huế xác định sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường gắn với nâng cao thu nhập của người dân. Tỉnh đang tập trung đẩy mạnh việc phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao; thúc đẩy xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chú trọng đào tạo nhân lực quản trị và lao động có kỹ thuật, tay nghề cao, nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh nông sản, đặc sản của tỉnh... Tỉnh mong muốn Bộ Nông nghiệp &PTNN quan tâm, đồng hành cùng địa phương, hỗ trợ cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói riêng. Tỉnh đã phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương để phát triển các sản phẩm, mô hình; đã tập trung vào tái cơ cấu, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thực sự có hiệu quả.          

Về Đề án xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng phát triển bền vững, Thứ trưởng chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ kỹ thuật các hợp tác xã ở Thừa Thiên Huế để xây dựng các trung tâm giống cây lâm nghiệp, đặc biệt là cây nuôi cấy mô. Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn làm việc với một số ngân hàng, bảo hiểm, doanh nghiệp để cùng vào cuộc khi triển khai đề án.

Về Đề án xây dựng “Tổ khuyến nông cộng đồng”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT căn cứ tình hình và nhu cầu thực tế tại địa phương để hình thành các tổ khuyến nông cộng đồng đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất theo hướng phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương.

Về phát triển nông nghiệp hữu cơ, Thứ trưởng giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham mưu cho Bộ các nội dung ký kết phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với tỉnh Thừa Thiên Huế về việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Trong đó, vận dụng từ các mô hình của Tập đoàn Quế Lâm đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về nông nghiệp hữu cơ, từ đó nhân rộng các mô hình, xây dựng Thừa Thiên Huế thành địa phương tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ, xây dựng làng nông nghiệp hữu cơ và nhân rộng ra các địa phương khác.

Trước đó, đoàn công tác đã đến thăm mô hình sản xuất hữu cơ của tập đoàn Quế Lâm; tham quan mô hình "xã thông minh" và các mô hình sản xuất hữu cơ tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền.

Tiếp nối chương trình, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục có chuyến khảo sát đề án vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 245.800 ha diện tích đất lâm nghiệp có rừng, trong đó rừng tự nhiên là hơn 126.700 ha, rừng trồng là hơn 119.000 ha. Diện tích rừng trồng sản xuất khoảng 95.675 ha; trong đó diện tích rừng trồng keo các loại trên 81.000 ha. Cùng với các chính sách của Trung ương, từ năm 2010, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hợp tác với các tổ chức quốc tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ dăm qua mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC). Nhờ vậy, Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho các tổ chức, mô hình nhóm hộ gia đình.

Đoàn công tác khảo sát mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn sử dụng giống keo lai nuôi cấy mô tại HTX Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị

 

Đến nay, toàn tỉnh đã có 22.067 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Đặc biệt, đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC với các doanh nghiệp có chứng chỉ CoC ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng gỗ có chứng chỉ của Hội FSC Quảng Trị nói chung và các hợp tác xã nói riêng với giá cao hơn với so với giá gỗ không có chứng chỉ từ 15 - 18%. Định hướng trong giai đoạn 2021 – 2025, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ toàn tỉnh từ 26.050 – 28.550 ha, đến năm 2030 là khoảng 30.000 ha.

Từ tình hình thực tế, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có chính sách để khuyến khích, phát triển rừng trồng có chứng chỉ FSC nhằm thực hiện tốt đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững tại miền Trung phục vụ chế biến và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025; chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Kết nối các doanh nghiệp có quy mô lớn tham gia đầu tư và liên kết với các tổ chức sản xuất gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh…

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của tỉnh Quảng Trị trong phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Để triển khai đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững tại miền Trung phục vụ chế biến và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Nông nghiệp và PTNT cam kết sẽ hỗ trợ địa phương trong việc đảm bảo hạ tầng vùng sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực, quản trị, giống keo lai nuôi cấy mô… cho các hợp tác xã tổ chức sản xuất theo quy hoạch của đề án. Xây dựng mô hình thí điểm về hỗ trợ mua bảo hiểm đối với rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, đã biệt là rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC để hạn chế rủi ro để các HTX, người trồng rừng yên tâm đầu tư trồng rừng có chứng chỉ với thời gian kinh doanh dài. Hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp trong việc sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với cán bộ địa phương tại mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn sử dụng giống keo lai nuôi cấy mô

 

Hải Nguyễn - Đà Giang

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Xem thêm về hoạt động của đoàn trên báo Nông nghiệp Việt Nam tại đây