Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xuất hiện tại Vĩnh Phúc từ ngày 27/3/2019. Đến thời điểm này trên địa bàn toàn tỉnh có huyện Sông Lô và 101 xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày không có dịch. Trong những ngày tới số xã qua 30 ngày tiếp tục tăng.

Tỉnh đã hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn tiêu hủy do bệnh DTLCP kịp thời, góp phần giúp người chăn nuôi sớm ổn định sản xuất, không gây bức xúc trong dân, tạo được tâm lý tốt cho người chăn nuôi chủ động khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khi có lợn mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh DTLCP.

Về công tác tái đàn lợn, tính đến ngày 25/12/2019, toàn tỉnh đã có 942 hộ tái đàn với 18.259 con (chiếm 3,4%) tổng đàn. Trong đó, có 2.174 con lợn bố mẹ và 16.085 con lợn thịt.

Ông Nguyễn Văn Phước - Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện tại, đàn lợn thịt của tỉnh là 380 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 6.200 tấn; đàn gà 10,1 triệu con bao gồm gần 7 triệu con gà thịt, mỗi tháng xuất chuồng gần 1,5 triệu con, trong đó xuất ra ngoài tỉnh khoảng 1 triệu con, sản lượng thịt hơn 3.000 tấn; đàn gà đẻ là hơn 3 triệu con, đàn vịt 0,8 triệu con, sản lượng trứng gia cầm đạt 520,31 triệu quả. Với sản lượng đó, tỉnh Vĩnh Phúc đảm bảo đủ nguồn thực phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh dịp tết Nguyên đán Canh Tý và các tháng đầu năm 2020.

Cũng trong buổi làm việc tại Vĩnh Phúc, đoàn công tác đã thăm trang trại nuôi lợn của ông Vũ Hoàng Lân ở xã An Hòa, huyện Tam Dương. Trang trại của ông lân có quy mô 140 lợn nái, 1200 lợn thịt. Ông Lân chia sẻ, để giữ được đàn lợn an toàn trong tâm bão DTLCP, trại đã thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y phòng chống dịch bệnh như: Rắc vôi bột xung quanh khu vực chuồng nuôi, lối đi 2 lần/tuần; Sử dụng thuốc sát trùng Virkon để phun nền chuồng 1 lần/ngày; Sử dụng chế phẩm Nano San D cho lợn ăn (30ml/10kg thức ăn); Dùng Cloramin B khử trùng nước uống (10g/1000 lít nước); Loại thải những nái có biểu hiện bệnh, đồng thời cách ly các con lợn nái xung quanh, không rửa nước và sử dụng Virkon đậm đặc phun 7 ngày liên tục vào vị trí lợn nái loại thải và cách ly; Diệt chuột, ruồi, muỗi… Đặc biệt, thực hiện tốt việc kiểm soát người ra vào khu vực chăn nuôi.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp thăm trang trại nuôi gà của ông Bùi Bằng Phúc ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo

 

Còn ông Bùi Bằng Phúc ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo cho biết, gia đình ông đang nuôi gà thịt lông màu quy mô 12.000 gà thịt (giống ri lai, mía lai). Gia đình thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học nên tỷ lệ nuôi sống cao,  bình quân 98%, khối lượng cơ thể lúc xuất chuồng 2,0 kg/con (mía lai) và 1,7 kg/con (ri lai), tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng là 2,7 kg. Với chỉ tiêu kinh tế như vậy, mỗi lứa gia đình ông xuất bán 2.000 – 5000 con, cho lợi nhuận 36 - 90 triệu đồng/lứa.

Qua nghe báo cáo và thăm các trang trại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã đánh giá cao việc kiểm soát tốt tình hình bệnh DTLCP cũng như công tác hỗ trợ người nuôi có lợn bị dịch bệnh. Tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm để đảm bảo nguồn thực phẩm trong dịp tết (tiêu thụ trong tỉnh chỉ chiếm 30%, 70% sản lượng tiêu thụ ở ngoài tỉnh). Thứ trưởng cũng nhấn mạnh Vĩnh Phúc cần có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ hơn nữa khi tái đàn, kiểm soát tốt an toàn dịch bệnh.

Nguyễn Hải

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia