Theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi đến thăm huyện Bắc Sơn, một trong những điểm sáng về phát triển sản xuất trên cơ sở phát huy vai trò của hoạt động khuyến nông.

Vừa kiểm tra những cây quýt đang bước vào đầu vụ thu hoạch, ông Triệu Văn Thanh ở thôn Tiến Sơn, xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn vừa vui vẻ cho biết: “Vẫn đất đồi đó, vẫn giống quýt đó nhưng trước đây năng suất, chất lượng quýt không cao do mọi người chăm sóc chưa đúng kỹ thuật. Từ khi được cán bộ khuyến nông, thông qua mô hình áp dụng các biện pháp tổng hợp chăm sóc cây quýt, gia đình tôi đã thực hiện đúng theo kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế thu được đã tăng cao. Cụ thể, năng suất quýt đã tăng từ 16 tấn/ha lên trên 25 tấn/ha. Vụ tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kỹ thuật, mở rộng vườn quýt”.

Năng suất cây quýt ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) được nâng cao nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Tìm hiểu được biết, toàn xã Nhất Tiến hiện có khoảng 10.000 gốc quýt. Nhờ hiệu quả hoạt động khuyến nông, người dân đã tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên năng suất, giá trị kinh tế thu được từ cây quýt đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo ông Bàn Phúc Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhất Tiến, trong vụ quýt 2016 - 2017 vừa qua, sản lượng quýt toàn xã đạt khoảng 500 tấn, giá trị kinh tế ước đạt trên 12 tỷ đồng.

Không chỉ tại xã Nhất Tiến (Bắc Sơn), hiệu quả nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp gắn với các hoạt động khuyến nông còn có thể được nhận thấy tại hầu hết các địa phương khác của tỉnh miền núi Lạng Sơn. Theo đó, hệ thống cơ quan khuyến nông các cấp, nhất là lực lượng khuyến nông viên ở cơ sở đã tích cực bám sát hoạt động sản xuất của người dân, kịp thời hướng dẫn, chuyển giao cho nông dân những kỹ thuật sản xuất mới, hiệu quả. Đặc biệt, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn khuyến nông đã góp phần quan trọng trong việc đưa tiến bộ kỹ thuật đến với người sản xuất.

Thực tiễn đẩy mạnh công tác khuyến nông thời gian qua tại các huyện, thành phố ở Lạng Sơn cho thấy, các mô hình trình diễn trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ vào việc giúp người dân dần thay đổi tập quán canh tác cũ, có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ trong chăn nuôi, trồng trọt. Tâm lý chung của đồng bào dân tộc vùng cao là chỉ thực sự tin và thực hiện theo cách làm mới khi được “mắt thấy, tai nghe”. Vì vậy, các mô hình trình diễn khuyến nông sẽ đóng vai trò là những tác động trực quan giúp bà con từng bước thay đổi cách nhìn, cách nghĩ; thay đổi thói quen sản xuất theo hướng tiến gần hơn với tiến bộ kỹ thuật sản xuất mới.

Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn đã triển khai 12 mô hình trình diễn. Trong đó, nhiều mô hình triển khai đã dần khẳng định được hiệu quả như: Mô hình cải tạo và phát triển đàn dê xã Trấn Yên (Bắc Sơn); Mô hình chăn nuôi lợn móng cái sinh sản tại huyện Lộc Bình, Văn Quan; Mô hình trồng tre Bát độ lấy măng tại Hữu Lũng; Mô hình thâm canh cây hồng Bảo Lâm, xã Hòa Cư (Cao Lộc)… Tại các địa phương, một số mô hình trình diễn cũng được các trạm khuyến nông huyện, thành phố phối hợp thực hiện tốt như: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở các xã Minh Sơn, Tân Lập (Hữu Lũng); Mô hình cải tạo giống na và mô hình trồng giống lúa lai HYT 116, GS19, giống ngô GS 6869, GS 9989 ở huyện Chi Lăng; Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm ở thành phố Lạng Sơn... Qua đánh giá, cơ bản các mô hình đều cho kết quả khả quan, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng, trình độ canh tác của người dân.

Trao đổi về những khó khăn trong thực hiện hoạt động khuyến nông, anh Bế Văn Biên, cán bộ khuyến nông xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) chia sẻ: Người dân vùng cao vốn quen với cách chăn nuôi, trồng trọt từ bao đời nên để họ thay đổi thì cần phải có mô hình để đối chứng. Hơn nữa, địa bàn các xã vùng cao như Hòa Cư thường trải rộng, cán bộ khuyến nông xã và lực lượng khuyến nông viên cơ sở mỏng, để triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình trình diễn khuyến nông đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn trong tuyên truyền, vận động người dân cũng như trong thực hiện mô hình trình diễn.

Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, hệ thống khuyến nông các cấp ở Lạng Sơn còn tổ chức gần 900 lớp tập huấn ở nhiều quy mô khác nhau với sự tham gia của trên 32.000 lượt người; cấp phát gần 2.600 bộ tài liệu khuyến nông... Thông qua các hoạt động này đã trực tiếp góp phần nâng cao khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người dân.

Theo ông Hoàng Văn Đảy, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn cho biết: Các mô hình, dự án khuyến nông được thực hiện đúng yêu cầu; vừa giúp chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới đến nông dân vừa phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh; phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Thời gian tới, hệ thống cơ quan khuyến nông các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng triển khai các mô hình áp dụng giống mới, giống đặc sản có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Trên cơ sở đó, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn có đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

 Nỗ lực vượt khó, đồng hành cùng người nông dân trên từng thửa ruộng, chuồng nuôi, thông qua việc hỗ trợ người sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn, mô hình khuyến nông, cơ quan khuyến nông các cấp và đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở đã thực sự trở thành những người bạn của nhà nông trên con đường thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Lạng Sơn phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững./.

Tạ Quang Đạo

Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng