Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu là đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Chi Cục Thú y, các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị trong chăn nuôi, chủ trang trại, nông dân tiêu biểu các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre và thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo tại Hội nghị, ngành chăn nuôi có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 6,5%/năm. Tổng GDP từ ngành chăn nuôi chiếm 35% trong tổng GDP nông nghiệp và đang trở thành một trong những ngành kinh tế chủ yếu của nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đông Nam Bộ là vùng chăn nuôi lớn, tập trung nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, vì vậy có điều kiện tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Quy mô đàn lợn trong vùng 2.890.167 con, chiếm tỷ lệ 10,79% (26.761.577 con) so với cả nước; quy mô đàn gà 28.063.000 con, chiếm tỷ lệ 11,40% (246.028.000 con) so với cả nước. Có 43 cơ sở sản xuất chế biến thức ăn, chiếm tỷ lệ 18,61% về quy mô và 35.35% về sản lượng so với cả nước (203 cở sở). Chính vì vậy, đây cũng là vùng trọng điểm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc biệt quan tâm trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, nâng cao giá trị cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Việc phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị nhằm hạ giá thành, đảm bảo chất lượng sản phẩm là giải pháp tăng sức cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu, rộng hiện nay của vùng Đông Nam Bộ. 

Toàn cảnh hội thảo

Mặc dù ngành chăn nuôi có những bước tiến đáng kể nhưng trước thềm hội nhập quốc tế, ngành chăn nuôi cả nước nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng còn đối mặt với những thách thức. Ngành chăn nuôi phát triển chưa bền vững, việc quản lý có nhiều bất cập, áp dụng khoa học kỹ thuật còn chậm, giá trị sản phẩm gia tăng không cao. Đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi còn thấp, chưa thu hút được các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Trong chăn nuôi còn tiềm ẩn những yếu tố về phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Giá cả thị trường như hiện nay làm ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi liên kết này. Bên cạnh đó, chăn nuôi an toàn có nguồn gốc đang phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, không cạnh tranh được giá bán, do vậy sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tạo hiệu quả kinh tế. Thị trường tiêu thụ không ổn định, tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian đã đẩy giá bán lên cao. Việc khai thác thị trường trong nước và xuất khẩu còn yếu.

Trước những thách thức trên, giải pháp được đưa ra là phải liên kết phát triển ngành chăn nuôi theo mô hình chuỗi giá trị. Điển hình là liên kết với các doanh nghiệp thực hiện chăn nuôi gia công. Với hình thức này các doanh nghiệp sẽ cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng ký kết. 

Một hình thức liên kết khác là liên kết giữa các trang trại chăn nuôi và thị trường tiêu thụ gồm siêu thị, nhà hàng, chợ và các bếp ăn tập thể. Chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc. Hoặc là hình thức liên kết chăn nuôi 4 nhà gồm: Cơ quan quản lý nhà nước - ngân hàng - doanh nghiệp sản xuất thức ăn, người chăn nuôi và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hoặc hình thức liên kết chuỗi chăn nuôi - giết mổ - buôn bán…

Những hình thức liên kết trên nếu vận hành tốt sẽ tạo ra bước đột phá cho ngành chăn nuôi. Song, để thực hiện được các chuỗi liên kết đó, Nhà nước cần quan tâm tạo ra những chính sách giúp người chăn nuôi vay vốn với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tham gia chuỗi. Mặc khác, các hộ chăn nuôi cũng cần có sự liên kết lại với nhau, tạo ra những mô hình chăn nuôi có qui mô lớn, tạo được chuỗi cung ứng sản phẩm ổn định và đủ lớn để liên kết bền vững với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Tại Hội thảo, Công ty TNHH San Hà (Sanhafoods) và Công ty ADECO đã ký kết tiêu thụ sản phẩm với một số trang trại của Đồng Nai và Bình Phước.

Kết luận Hội thảo, TS. Phan Huy Thông khẳng định, trong bối cảnh khó khăn này, liên kết chuỗi sản phẩm là giải pháp quan trọng để bỏ các khâu trung gian, hạ giá thành, tạo sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hạn chế nguy cơ dịch bệnh, người chăn nuôi càng phải liên kết thành các chuỗi giá trị an toàn thực phẩm, đủ sức cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập TPP.

Lễ ký kết tiêu thụ sản phẩm giữa Công ty TNHH San Hà và chủ trang trại tỉnh Đồng Nai

Nguyễn Thị Hải

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia