Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, so với cùng thời điểm năm 2020, trong tháng 1/2021, tổng đàn lợn của cả nước tăng 16,2%; đàn gia cầm tăng khoảng 6,5%; đàn bò tăng khoảng 2,2%; đàn trâu giảm khoảng 2,7%. Cục đã chỉ đạo phòng chống thiên tai, khắc phục thiệt hại sau bão lũ; Tổ chức triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045; Xây dựng 5 đề án thực hiện chiến lược; xây dựng Kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi.

Về dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm hiện nay, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, cả nước có 73 ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại 40 huyện thuộc 21 tỉnh, thành chưa qua 21 ngày, số lợn tiêu hủy là 1.388 con; 21 ổ dịch cúm gia cầm tại 19 huyện thuộc 12 tỉnh thành chưa qua 21 ngày, số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 52.011 con; có 12 ổ dịch lở mồm long móng tại 8 huyện thuộc 7 tỉnh; 42 ổ dịch viêm da nổi cục tại 17 huyện của 8 tỉnh, số gia súc mắc bệnh là 771 con, số gia súc tiêu hủy là 39 con. Đã nhập 50 nghìn liều vắc-xin viêm da nổi cục, thí điểm tiêm phòng cho trâu bò tại 8 tỉnh (Sơn La, Hà Giang, Thái Nguyên, Lạng sơn, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị) và một số trại bò sữa. Đàn gia súc sau khi tiêm vắc-xin khỏe mạnh, không phát bệnh sau tiêm vắc-xin 2 tuần.

Theo báo cáo của Công ty Navetco, sau 5 lần thí nghiệm, vắc-xin dịch tả lợn Châu Phi có khả năng bảo hộ 100% số lợn được tiêm và công cường độc trong phòng thí nghiệm; trong điều kiện sản xuất đã bảo hộ được 80% số lợn được tiêm vắc-xin, công cường độc và hiện đang theo dõi được hơn 3 tháng sau tiêm phòng, tiếp tục theo dõi về mức độ an toàn và độ dài miễn dịch đến hết tháng 6 năm 2021. Dự kiến, nếu mọi điều kiện thuận lợi thì đầu quý III/2021 sẽ có vắc-xin dịch tả lợn châu Phi thương mại để phục vụ cho phát triển chăn nuôi lợn trong nước.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao thành công của ngành chăn nuôi và nhấn định, năm 2021, chăn nuôi được coi là dư địa lớn nhất, sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong nông nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, mặc dù trong thời gian qua, chăn nuôi đạt được thành tựu đáng kể, các dịch bệnh như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục… đang được khống chế tốt trên cả nước nhưng với quy mô đàn lớn; chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa bảo đảm an toàn sinh học; việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tăng rất mạnh, thậm chí cả nhập khẩu,… nên dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có nguy cơ tái phát, lây lan trên diện rộng là rất cao.

Bộ trưởng chỉ đạo, phải tập trung thực hiện Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, các đề án, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật... Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý thú y các cấp; Tiếp tục cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ số trong quản trị, đặc biệt là tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, tăng cường khâu kiểm nghiệm, khảo nghiệm để tham chiếu. Mở rộng thị trường, đặc biệt các thị trường trọng điểm (Nga, Brazin). Đối với việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, chọn Bình Phước làm đột phá nhưng phải thử nghiệm thêm trên đối tượng lợn, bò chứ không chỉ chăn nuôi an toàn với 100 triệu con gà như hiện nay, đồng thời phải liên vùng, xã hội hóa là chính. Xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh chính là chìa khóa quan trọng nhất trong chăn nuôi, thú y để có thể phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững. Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, bên cạnh chăn nuôi tập trung quy mô lớn, hiện đại, cần quan tâm vật nuôi bản địa, chăn nuôi hữu cơ, sản xuất tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái,... cần lên kế hoạch cụ thể, khuyến nông phải vào cuộc xây dựng mô hình, đào tạo nguồn nhân lực.

Liên Hương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia