Theo báo cáo của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản - đơn vị đầu mối về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thuỷ sản, trong 9 tháng, Ban chỉ đạo Chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản đã tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp như tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp trực tuyến triển khai các biện pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; thành lập 02 tổ công tác kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong thời gian giãn cách; ban hành văn bản tạm thời thẩm định, đánh giá, cấp chứng nhận cho các sản phẩm đủ điều kiện ATTP. Đồng thời đã rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP hài hòa với các chuẩn mực quốc tế, theo đó đã trình Bộ góp ý sửa đổi, hoàn thiện dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật An toàn thực phẩm. Nhân rộng, mở rộng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị. Gia tăng số lượng và đa dạng thông tin, tuyên truyền vận động cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ pháp luật ATTP. Theo đó, Bộ đã hướng dẫn, trả lời phản ánh, kiến nghị, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; tổ chức nhiều cuộc họp chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện Covid-19; cung cấp đầy đủ, kịp thời cho Báo, Đài về quản lý chất lượng, ATTP trong nông nghiệp. Duy trì triển khai các chương trình giám sát vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản; kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý, tổ chức thanh tra đột xuất, xử phạt nghiêm vi phạm. Chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam. Cụ thể: Cơ quan kiểm dịch động vật vùng Quảng Ninh thuộc Cục Thú y đã phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu xử lý 02 vụ vi phạm và tiêu hủy tổng số 210 kg động vật, sản phẩm động vật và 13.000 con gia cầm giống nhập lậu. Đã giải quyết kịp thời các vướng mắc, tiếp cận thị trường, mở rộng xuất khẩu nông lâm thủy sản và tận dụng các nguồn lực hỗ trợ quốc tế. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức lực lượng quản lý chất lượng, ATTP đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP. Tổ chức đánh giá, chỉ định, giám sát cơ sở kiểm nghiệm vật tư nông nghiệp, ATTP theo quy định. Đặc biệt, đã đổi mới trong hoạt động, không chỉ kiểm tra giám sát mà cần thay đổi nhận thức, hành vi của người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Trong những tháng cuối năm, Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong bối cảnh chung sống với dịch Covid-19. Hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết, Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản. Tổ chức xây dựng, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo đúng Kế hoạch năm 2021 của Bộ Nông nghiệp. Tiếp tục duy trì triển khai các chương trình giám sát vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản theo phương thức trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp. Căn cứ kết quả giám sát, kịp thời cảnh báo, xử lý, tổ chức thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm theo quy định. Chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo; kịp thời kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang cũng như tháo gỡ các vướng mắc trong xuất khẩu nông lâm thủy sản. Thông tin, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp các quy định của thị trường; chủ động đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, đặc biệt sang thị trường Trung Quốc, Ả rập Xê út... Tiếp tục phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế triển khai các dự án quốc tế về ATTP với Hà Lan, Canada, Nhật Bản, Úc theo kế hoạch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; cải cách hành chính trong thực thi công vụ.

Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo do Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì, TS. Hạ Thúy Hạnh – Phó GĐ TTKNQG báo cáo, hiện nay, hoạt động khuyến nông đã tập trung ưu tiên xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn và thông tin tuyên truyền về chuỗi có chứng nhận VietGAP, an toàn dịch bệnh, sản phẩm an toàn. Trung tâm đã phối hợp với Cục Quản lý lượng NLS và TS, cục Chế biến và PTTTNS, Cục Kinh tế hợp tác, Văn phòng Nông thôn mới, các doanh nghiệp để thực hiện chỉ đạo của Bộ về sản xuất theo chuỗi, tạo vùng nguyên liệu, kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP.

Cũng tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP 9 tháng đầu năm và kế hoạch thực hiện những tháng cuối năm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã có những chỉ đạo như sau:

- Cần khẩn trương triển khai Đề án nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030 với sự tham gia của tất cả các đơn vị thành viên.

- Chỉ đạo địa phương sản xuất đảm bảo ATTP.

- Phân công các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách theo dõi sát sao các địa phương, hàng tháng có báo cáo gửi Cục QLCL tổng hợp báo cáo Bộ.

- Giao cho TTKNQG phối hợp với Ban chỉ đạo Chất lượng, ATTP NLTS tổ chức hội thảo về sử dụng nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp, đề xuất chính sách sử dụng nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp. TTKNQG tổ chức Hội thảo phát triển vùng nguyên liệu Tây Bắc.

Liên Hương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia