Tham dự hội nghị có khoảng 400 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ Nông Nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội lương thực miền Nam, miền Bắc…, đại diện lãnh đạo 13 Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh lúa gạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm lúa gạo tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Sau 30 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cùng cả nước góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy xuất khẩu, tăng thu ngoại tệ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Từ năm 1995 đến năm 2015, diện tích gieo trồng lúa tại ĐBSCL tăng từ 3,2 triệu ha lên 4,3 triệu ha; hệ số sử dụng đất lúa tăng từ 1,6 lên 2,3 lần; năng suất lúa tăng từ 40,2 tạ/ha lên 59,6 tạ/ha; sản lượng lúa tăng từ 12,8 triệu tấn lên 25,7 triệu tấn, chiếm xấp xỉ 60% sản lượng cả nước. Vùng ĐBSCL cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Trong giai đoạn 1989 - 2012, gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng bình quân 14%/năm về lượng và 10% về giá trị. Năm 2012, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước tới nay, là trên 8 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,67 tỷ USD, chiếm 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Gạo của Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 150 nước, thị trường chính là Trung Quốc (chiếm 38%), Philippines (9%), Malaysia (9%), Bờ Biển Ngà (9%) và một số nước khác như Indonesia, Singapore, đặc khu hành chính Hong Kong, Algeria…

Đạt được thành tựu trên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – PTNT Lê Quốc Doanh ngoài đổi mới về đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong sản xuất nông nghiệp thì còn có sự cần cù, sáng tạo của người dân trong vùng, vai trò đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ và sự tham gia hiệu quả của các doanh nghiệp. Bên cạnh những thành công to lớn trên, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL cũng còn không ít tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành. Đó là: hiệu quả, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường lúa gạo còn thấp, thu nhập của nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Ở ĐBSCL mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa thu được lợi nhuận 35 - 40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan, 1,5 lần so với Indonesia và Philippines. Sản xuất lúa thiếu tính bền vững, hiệu quả sử dụng vật tư đầu vào chưa cao và chưa kiểm soát được tác động tiêu cực đến môi trường. Sản xuất lúa gạo còn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt; không có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, giá cả bấp bênh là những biểu hiện không bền vững trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Nông dân vẫn còn chạy theo chỉ tiêu số lượng, năng suất, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng; việc áp dụng các quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến còn hạn chế, nông dân vẫn còn lạm dụng nước tưới, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến tăng giá thành, giảm hiệu quả kinh tế, giảm chất lượng gạo và tăng phát thải khí nhà kính.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề xuất 6 giải pháp phát triển lúa gạo là: Đẩy mạnh tổ chức sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường; Tăng cường quan hệ hợp tác về ngoại giao, kinh tế, thương mại và đầu tư với các quốc gia và vùng lãnh thổ để phát triển thị trường xuất khẩu; Phát triển thị trường gạo cho Việt Nam theo hướng gắn hoạt động phát triển thị trường với sản xuất, chế biến, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, kết nối giao thương, thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác thương mại gạo cả theo kênh Chính phủ và doanh nghiệp; Hoàn thiện thể chế liên quan và nâng cao hiệu quả điều hành sản xuất và xuất khẩu gạo; Nâng cao năng lực của thương nhân xuất khẩu gạo; Đổi mới tổ chức và hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Nhiều đại biểu tham luận nêu những vướng mắc trong sản xuất lúa gạo như vấn đề hạn điền, liên kết sản xuất, chính sách hỗ trợ, cơ chế xuất khẩu gạo, xây dựng thương hiệu gạo quốc gia…

Ông Trần Văn Khởi, Quyền GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan sản phẩm gạo trưng bày tại hội nghị 

Tổng kết hội nghị, thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các Bộ, Ngành và địa phương tập trung vào một số nội dung sau:   

- Về sản xuất lúa gạo: Điều chỉnh quy mô tổng diện tích lúa vùng ĐBSCL phù hợp; mở rộng hạn điền để tăng quy mô sản xuất lúa nông hộ; tổ chức sản xuất lúa theo hướng hình thành các vùng chuyên canh lúa hàng hóa lớn và liên kết vùng, điạ phương theo chuỗi giá trị; Nâng cao năng suất, giảm thất thoát sau thu hoach, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng;

- Về tổ chức sản xuất: Hình thành các hợp tác xã kiểu mới về lúa gạo; Xây dựng hệ thống thủy lợi hiện đại đa mục tiêu, tính đến thị trường sử dụng nước tưới; Giảm lao động trong sản xuất lúa để chuyển sang lĩnh vực khác.

- Về tiêu thụ gạo: Đẩy mạnh công tác thị trường, xúc tiến thương mại; Chú trọng cung cấp gạo cho thị trường trong nước, hạn chế xâm thực gạo ngoại vào Việt Nam; Thay đổi toàn diện cơ chế điều hành xuất khẩu gạo.

- Về chính sách: Đề nghị sửa đổi những văn bản làm cản trở sản xuất phát triển như tăng hạn mức cho nông dân vay vốn, Mở rộng hạn điền và thời gian giao đất; Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đặc biệt khâu giống lúa; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo…/.

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia