Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo các cục, vụ, viện, trung tâm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư và bà con nông ngư dân một số tỉnh ven biển miền Bắc và miền Trung, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh, cùng đông đảo các phóng viên Báo đài trung ương và địa phương tham dự và đưa tin.

Ban Chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn.

Trong khuôn khổ Diễn đàn các đại biểu đã đi tham quan mô hình nuôi nhuyễn thể tại xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; xem clip về mô hình nuôi nhuyễn thể bền vững của tỉnh Quảng Ninh.  

Qua báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn về: Hiện trạng và định hướng phát triển nuôi nguyễn thể hai mảnh vỏ ở miền Bắc của Tổng cục Thủy sản; Tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm và phòng trị bệnh một số loài nhuyễn thể của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1; Giới thiệu phương pháp sản xuất giống ngao bến tre meritrix lyrata trong ao đất của Viện Nghiên cứu Hải sản... cho thấy, nhuyễn thể hai mảnh vỏ phân bố ở khắp các vùng biển Việt Nam, từ độ sâu 0 m đến vùng biển xa bờ và có tới 26 loài có giá trị kinh tế cao. Nhuyễn thể hai mảnh vỏ trở thành ngành có tiềm năng về kinh tế, với giá trị xuất khẩu đứng thứ ba trong ngành thủy sản Việt Nam. Tổng sản lượng khai thác tự nhiên ở biển và ven biển các loài nhuyển thể ở nước ta ước đạt 300.000-350.000 tấn/năm. Trong đó, sản lượng cao nhất là dắt (130.000-150.000 tấn/năm), nghêu (50.000-60.000 tấn/năm), sò huyết (40.000-50.000 tấn/năm). Hiện tại các sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam được xuất sang 42 thị trường trên thế giới, trong đó có một số thị trường chính như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Australia... Năm 2013, giá trị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam đạt 72,247 triệu USD. Năm 2014, tính đến hết 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 54,7 triệu USD. Trong đó, riêng giá trị xuất khẩu sang EU đạt 38,85 triệu USD, chiếm 71% tổng XK và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2013. 

Với những giá trị kinh tế mà nhuyễn thể mang lại, những năm gần đây, nhuyễn thể được xác định là đối tượng nuôi chủ lực của nước ta, trong đó các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ nuôi phổ biến ở nước ta là ngao, nghêu, sò huyết, hầu và tu hài. Nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở các tỉnh ven biển phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh) tập trung chủ yếu ở các bãi bồi, cửa sông ven biển, nơi có nền đáy là cát hoặc cát pha bùn. Diện tích nuôi nhuyễn thể tăng liên tục trong giai đoạn 2008- 2013, nếu năm 2008 tổng diện tích nuôi nhuyễn là 20.134 ha thì năm 2013 đã tăng lên 40.846 ha.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi nhuyễn thể tại xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Tại Diễn đàn đã có 33 câu hỏi đặt ra tập trung vào một số vấn đề chính: (1) Chính sách hỗ trợ người sản xuất và phục hồi sản xuất khi gặp thiên tai, dịch bệnh. (2) Quy trình kỹ thuật nuôi và cách phòng trị dịch bệnh. (3) Quy hoạch vùng sản xuất, thị trường. (4) Cung cấp các địa chỉ tư vấn, các địa chỉ sản xuất giống bảo đảm chất lượng được Ban chủ tọa, Ban cố vấn chia sẻ và trả lời.

TS. Phan Huy Thông- Giám đốc TTKNQG tổng kết Diễn đàn

Tổng kết Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia  kết luận:

- Về quy hoạch: cơ quan Nhà nước khảo sát vùng nuôi cho từng loài, quy hoạch cơ sở sản xuất - cung cấp giống, cơ sở thu mua - chế biến sản phẩm; khuyến cáo bà con ngư dân nuôi theo quy hoạch, theo vị trí và thời vụ nuôi, bảo đảm có hiệu quả kinh tế cao, năng suất, chất lượng tốt và ổn định lâu dài.

- Về giống: Các cơ sở sản xuất giống phải nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng được yêu cầu. Người nuôi phải tiếp cận, áp dụng các quy trình kỹ thuật nhân ương và nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nuôi rải vụ nhằm giảm bớt áp lực cùng một lúc cung cấp lượng giống lớn. Kiểm soát nguồn giống bố mẹ và công khai các thông tin về cơ sở sản xuất giống để có con giống thương phẩm tốt.

- Về kỹ thuật nuôi: Các cơ quan chuyên môn cập nhật và khuyến cáo cho người nuôi áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi mới, cách nhận biết và phòng trị dịch bệnh, chọn thời điểm thu hoạch sao cho hiệu quả nhất bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Vấn đề chế biến, tiêu thụ: các tỉnh nên kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến để thu mua sản phẩm, tránh tình trạng bị thu hoạch rộ vào một vụ, có thể đóng hộp đông lạnh để nâng cao giá trị gia tăng.

- Vấn đề chính sách: Phổ biến một số chính sách của Nhà nước như chính sách hỗ trợ giống, chính sách hỗ trợ khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai...Quy hoạch các vùng và đầu tư xây dựng hạ tầng như trồng rừng ven biển, bảo tồn vật nuôi và những bãi giống bố mẹ để có nguồn giống cung cấp ổn định.

Nguyễn Viết Tiến Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia