Đây là lớp tập huấn thực hiện theo phương pháp mới đối với hệ thống khuyến nông. Lớp học sẽ diễn ra trong thời gian 3 tháng (đủ 01 chu kỳ sản xuất lúa vụ mùa) gồm 16 buổi học, trong đó: có 7 buổi học lý thuyết và thảo luận tại hội trường, 8 buổi học thực hành trên đồng ruộng và 1 buổi tham quan học tập gắn với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

Mục đích của lớp học này đào tạo được một đội ngũ cán bộ khuyến nông có chuyên môn sâu về kỹ thuật trồng thâm canh lúa; điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh hại phát sinh ở từng thời kỳ cũng như vững kiến thức thuốc BVTV để sử dụng có hiệu quả, an toàn cho người sử dụng và sản phẩm lúa gạo… Bên cạnh đó, các phương pháp khuyến nông và nghiệp vụ, kỹ năng của người làm công tác khuyến nông cũng sẽ được trang bị cho các học viên trong khoá học này để sau khóa học đội ngũ này sẽ là lực lượng nòng cốt triển khai các khóa tập huấn, hỗ trợ sản xuất cho nông dân trên địa bàn.

Trong khóa học này, Trung tâm Khuyến nông cũng đã cử các giảng viên là các cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm, chuyên môn sâu và giỏi kỹ năng sư phạm tham gia giảng dạy. Lớp học được bố trí lịch học ngay từ đầu vụ sản xuất lúa mùa tại địa bàn cơ sở (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao), bố trí nơi thực hành của lớp học: ruộng canh tác theo tập quán (FP), ruộng làm theo quy trình kỹ thuật (CSA) và một số ô ruộng thực hiện các thí nghiệm: mật độ cấy, tuổi mạ khi cấy….

Phương pháp “học đi đôi với hành” dưới sự hỗ trợ của giảng viên, học viên trực tiếp thực hiện, theo dõi và thảo luận với nhau ở các nhóm để có đánh giá một cách khách quan, từ đó tự rút ra bài học và kinh nghiệm cho mình. Đây là phương pháp học có thể áp dụng hiệu quả trong công tác khuyên nông và công tác chỉ đạo sản xuất của cán bộ khuyến nông tại cơ sở. Với sự đổi mới trong phương pháp tổ chức và tập huấn hy vọng kết quả của lớp học mở ra một hướng đi mới trong công tác đào tạo, tập huấn khuyến nông thời gian tới.

Nguyễn Sơn Tùng

Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ