Khóa tập huấn kéo dài trong thời gian gần 3 tháng (khai giảng ngày 13/6/2017 và kết thúc ngày 8/9/2017), thời gian học 14 buổi theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Với mục tiêu nâng cao kiến thức và kỹ năng cho học viên cả về kiến thức chuyên môn và kỹ năng tập huấn, lớp tập huấn đã sử dụng phương pháp giảng thực hành ngay trên đồng ruộng thông qua các thí nghiệm đồng ruộng và chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong thực tế sản xuất.

Tìm hiểu tập quán canh tác của người dân

Trước khi tiến hành các thí nghiệm đồng ruộng, học viên trong lớp đã cùng thảo luận về tập quán canh tác lúa của địa phương. Thực tế cho thấy, tại đồng đất xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, hầu hết bà con nông dân vẫn còn tập quán cấy dày, cấy mạ già và quản lý dịch hại chưa đúng cách dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao và còn ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường.

Học viên được trực tiếp thực hành và bố trí các thí nghiệm đồng ruộng

Theo ông Lê Toàn – giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ cho biết, nhiều học viên mặc dù học chuyên ngành trồng trọt nhưng chưa từng được bố trí công thức thí nghiệm trên đồng ruộng. Qua lớp tập huấn này các học viên thực sự được thực hành, được trực tiếp bố trí thí nghiệm, triển khai và theo dõi các thí nghiệm trong suốt thời gian sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Căn cứ vào tập quán canh tác lúa của nông dân, đồng thời giúp học viên so sánh, đánh giá được ảnh hưởng của yếu tố tuổi mạ và mật độ cấy ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây lúa, lớp học đã đưa ra các thí nghiệm bao gồm: thí nghiệm mật độ cấy với 3 công thức cấy (công thức 1: 25 khóm/m2; công thức 2: 35 khóm /m2; công thức 3: 45 khóm/m2), thí nghiệm tuổi mạ cũng bao gồm 3 công thức (công thức 1: cấy mạ 9 ngày tuổi – cây lúa được 3 lá, công thức 2: cấy mạ 14 ngày tuổi – cây lúa được 4,5 lá, công thức 3: cấy mạ 21 ngày tuổi – cây lúa được 6 lá).

Các nhóm cấy theo công thức thí nghiệm được phân công

 

Bên cạnh đó, thí nghiệm nuôi côn trùng cũng được thực hiện nhằm giúp học viên nhận biết được đặc điểm hình dạng, tập tính sinh học của các đối tượng sâu hại, biết được giai đoạn nào gây hại mạnh nhất để có biện pháp theo dõi và quản lý đúng theo hướng có lợi cho cây trồng, đồng thời nhận biết và phân biệt được các loại thiên địch trên đồng ruộng để có biện pháp bảo vệ các loại thiên địch có lợi, tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật làm chết thiên địch và mất cân bằng hệ sinh thái.

Ngoài ra lớp học cũng xây dựng khu ruộng thực nghiệm IPM để so sánh với ruộng sản xuất lúa theo tập quán canh tác của nông dân nhằm giúp học viên hiểu được hiệu quả của việc canh tác lúa tiên tiến kết hợp với quản lý dịch hại tổng hợp.

Điều tra hệ sinh thái

 

Học viên được nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng thuyết trình, thảo luận nhóm

Trong thời gian học, các học viên được học lý thuyết về sinh lý cây lúa qua các giai đoạn sinh trưởng phát triển như giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng, giai đoạn trỗ bông, phơi màu và giai đoạn chín, qua đó giúp học viên rèn luyện kỹ năng nhận biết chính xác các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa, hiểu rõ sinh lý cây lúa và các yếu tố ảnh hưởng đến từng giai đoạn để tác động các biện pháp kỹ thuật kịp thời hiệu quả.

Trước mỗi buổi học, giáo viên và học viên cùng quan sát và thu thập mẫu sâu bệnh hại trên ruộng thí nghiệm, sau đó học viên về lớp thảo luận theo từng nhóm sâu bệnh hại, thiên địch và vẽ bức tranh hệ sinh thái ruộng lúa. Luân phiên đại diện từng nhóm lên trình bày về các yếu tố ảnh hưởng đến cây lúa, phân tích tình trạng cây lúa ở từng thời điểm hiện tại và đưa ra các biện pháp quản lý hiệu quả. Qua đây học viên vừa được nâng cao kiến thức chuyên môn vừa được rèn luyện kỹ năng báo cáo, thuyết trình.

Theo báo cáo của Ban tổ chức lớp, lớp học đã thu được một số kết quả tốt, đối với ruộng thực nghiệm IPM do áp dụng biện pháp canh tác lúa tiên tiến và phòng trừ dịch hại tổng hợp nên đã giảm chi phí về giống, phân bón, hạn chế lúa đổ ngã, giảm công lao động, giảm thuốc bảo vệ thực vật, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, năng suất và hiệu quả cao hơn 426.500 đồng/sào so với ruộng canh tác lúa theo tập quán của nông dân.

Kết quả thí nghiệm mật độ cấy và tuổi mạ cấy cũng chỉ ra rằng, vụ mùa năm 2017, trên đồng ruộng của xã Kinh Kệ, Lâm Thao, Phú Thọ năng suất lúa Hương thơm Kinh Bắc đạt cao nhất ở công thức mật độ cấy 35 khóm/m2 và cấy mạ non với tuổi mạ cấy là 2,5- 3 lá (mạ 7-9 ngày tuổi).

Thăm ruộng thực nghiệm của lớp tập huấn

 

Qua bài kiểm tra cuối khóa, số học viên đạt loại loại giỏi chiếm 54%, loại khá là 46%, không có học viên xếp loại trung bình, trong khi bài kiểm tra đầu khóa số học viên đạt loại khá là 53%, loại trung bình là 33% và 14% số học viên đạt loại yếu. 60% học viên sau khi tham qua khóa học có khả năng đứng lớp và hướng dẫn cho bà con nông dân về kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để nâng cao trình độ canh tác, kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế sâu bệnh và hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn.

Thay đổi cách thức tập huấn cho hệ thống khuyến nông

Ông Nguyễn Văn Sơn, cán bộ khuyến nông huyện Lâm Thao - đại diện cho học viên lớp học cho biết: lớp tập huấn quản lý dịch hại tổng hợp cho cây lúa theo cách tiếp cận FFS, lý thuyết kết hợp thực hành đã phát huy được tính sáng tạo của học viên. Học viên được trao đổi, thảo luận chuyên sâu về cây lúa qua các giai đoạn sinh trưởng phát triển, đồng thời cũng được rèn luyện kỹ năng thảo luận nhóm, cách tư duy và phát triển vấn đề, qua đó giúp cán bộ khuyến nông nâng cao được chuyên môn nghiệp vụ. Ông Sơn cũng đề nghị nên mở các lớp tập huấn theo cách tiếp cận FFS trên các cây trồng, vật nuôi khác.

Ông Hà Ngọc Giang –trưởng trạm khuyến nông Lâm Thao, Phú Thọ cho biết trước đây các lớp tập huấn chủ yếu theo phương pháp truyền thống, lớp học rất đông, học chủ yếu ở trên hội trường nên hiệu quả chưa cao. Ông Giang đề xuất Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ mở nhiều lớp tập huấn tại hiện trường cho các cán bộ khuyến nông, đặc biệt là khuyến nông cơ sở để tăng hiệu quả của công tác tập huấn khuyến nông.

Ông Lê Toàn, giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ cho biết năm 2017, ngoài lớp tập huấn FFS trên cây lúa này, Trung tâm cũng đã và đang triển khai 09 lớp tập huấn theo cách tiếp cận FFS trên gà, lợn, cây có múi, và cây rau từ nguồn kinh phí của địa phương và nguồn kinh phí từ dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) với mong muốn các cán bộ khuyến nông được học và thực hành trực tiếp trên đồng ruộng, chuồng nuôi. Ông Toàn yêu cầu các học viên sau khi tham gia lớp tập huấn phải thay đổi phương pháp tập huấn cho bà con nông dân, tất cả các buổi tập huấn đều thực hiện quan sát thực tế ngoài đồng ruộng, cùng trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhất. Ông Toàn cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục hỗ trợ kinh phí mở các lớp tập huấn theo phương pháp lớp học hiện trường (FFS) trên các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Phú Thọ để làm cơ sở nhân rộng cách làm mới, hiệu quả trên toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Viết Khoa – trưởng phòng Đào taọ huấn luyện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: thành công của lớp học là các thí nghiệm đều được các học viên trực tiếp thực hiện ngay trên đồng ruộng, có đối chứng rõ ràng. Qua lớp tập huấn học viên không những được nâng cao kiến thức chuyên môn về cây lúa mà còn được rèn luyện kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tập huấn khuyến nông để chuyển giao tiến bộ cho bà con nông dân một cách hiệu quả. Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thí điểm thực hiện 06 lớp tập huấn FFS trên lợn, gà, lúa, ngô, rau. Kết quả triển khai của các lớp tập huấn này sẽ là cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo huấn luyện khuyến nông trong những năm tiếp theo. Ông Khoa cũng yêu cầu đơn vị triển khai các lớp tập huấn FFS xem xét khung đào tạo, nội dung, thời gian học, những thuận lợi, khó khăn để đề xuất xây dựng chương trình đào tạo phù hợp và hiệu quả hơn nữa, giúp nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo huấn luyện khuyến nông, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT./.

TS. Nguyễn Viết Khoa phát biểu tại lễ bế giảng lớp tập huấn

 

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia