Đồng chí Mai Ne, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Theo báo cáo của UBND huyện, năm 2021 tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn. Với cây lúa, vụ Đông Xuân thời tiết tương đối thuận lợi nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao, được mùa, được giá. Tuy nhiên do thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp gió mùa Tây Nam thổi mạnh, vụ Hè Thu bị mất trắng 38 ha ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng nên giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp giảm hơn năm trước và đạt thấp so với kế hoạch. Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm của huyện 13.286,75 ha, đạt 99,1% kế hoạch, tăng 0,11% so cùng kỳ năm 2020. Tổng sản lượng được 100.420 tấn, đạt 97,28% kế hoạch, giảm 3,32% so với năm 2020.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (theo giá so sánh 2020) ước năm 2021 đạt 1.152 tỷ 889 triệu đồng, bằng 99,77% so với năm 2020. Trong đó: nông nghiệp là 1.117 tỷ 639 triệu đồng, bằng 99,74% so năm 2020; lâm nghiệp là 31 tỷ 470 triệu đồng, bằng 99,27% so cùng kỳ năm 2020; thuỷ sản là 3 tỷ 780 triệu đồng, tăng 7,5% so cùng kỳ năm 2020.

Trong năm 2021, huyện Tây Hòa tiếp tục thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, triển khai nhiều mô hình sản xuất, trong đó chú trọng các mô hình sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm như: mô hình trồng cây ăn quả, mô hình canh tác cây sâm bố chính, mô hình trồng nha đam, mô hình trồng chuối già lùn, mô hình nuôi lươn thương phẩm, mô hình trồng ngô sinh khối... 

Bên cạnh đó huyện cũng đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, chỉ đạo Trạm Khuyến nông tiếp tục triển khai theo dõi mô hình trồng thâm canh bưởi theo GAP tại xã Sơn Thành Tây (quy mô 03 ha với 04 hộ tham gia); mô hình trồng thâm canh cây mít tại xã Hòa Mỹ Tây (quy mô 4 ha, 6 hộ tham gia); mô hình nuôi lươn thương phẩm trong bể (quy mô 60 m2, 02 hộ tham gia); mô hình nuôi chình thương phẩm trong ao đất (lần 2) (quy mô 1.450 m2, 02 hộ tham gia); mô hình lúa chất lượng cao vụ Hè Thu năm 2021, với quy mô 30 ha, trong đó tại HTX Hòa Phú 15 ha và tại HTX Hòa Mỹ Đông 15 ha; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vụ Đông Xuân 2020-2021 tại 2 xã Hòa Mỹ Tây và Hòa Phong, diện tích 02 ha.

Tại hội nghị, ông Mai Ne - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tây Hòa cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tác động trực tiếp đến mọi mặt về kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có hoạt động sản xuất nông nghiệp; điều kiện thời tiết cũng không thuận lợi cho việc trồng mới một số cây chủ lực của địa phương. Tuy nhiên toàn thể người dân và cán bộ trong huyện đã chủ động khắc phục khó khăn, cố gắng sản xuất hết diện tích, khôi phục đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện, công tác đầu tư nâng cấp sửa chữa hệ thống thuỷ lợi nội đồng, công tác giống, công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, công tác thú y và ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ vào sản xuất đều được chú trọng… Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: việc ứng dụng tiến bộ công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp còn chậm, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt; việc triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất đạt hiệu quả cao chưa nhiều. Trong chăn nuôi, mô hình sản xuất theo hướng thâm canh tập trung, bán công nghiệp còn gặp khó khăn, chưa hình thành được vùng chăn nuôi tập trung theo quy hoạch, chủ yếu vẫn là chăn nuôi theo hình thức hộ gia đình, quy mô nhỏ, công tác lai tạo, cải tạo đàn gia súc còn chậm…

Năm 2022 huyện Tây Hòa phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 109.542 tấn; tổng diện tích gieo trồng 13.764 ha, trong đó: lúa 13.114 ha; bắp (ngô) 650ha; cây sắn 2.500 ha; cây mía 900 ha và cây tiêu 280 ha. Tổng đàn bò đạt 28.428 con, trong đó tỷ lệ bò lai chiếm 90% tổng đàn. Về lâm nghiệp, trồng rừng tập trung 402 ha và trồng 365.000 cây phân tán, phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng 58,4%.

Trần Nguyễn Lâm Viên

Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa, Phú Yên