Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng cá dìa làm thực phẩm và cá dìa giống phục vụ nghề nuôi ngày càng nhiều nên việc khai thác, đánh bắt ngày càng ồ ạt, gây sụt giảm nguồn lợi cá dìa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trong khi đó công tác khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung và cá dìa nói riêng chưa được quan tâm, chú trọng.

Ông Nguyễn Văn Công, người có hơn 10 năm hành nghề câu cá dìa ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ cho biết, cách đây vài năm trở về trước, mỗi ngày đi câu cá dìa cũng kiếm được ít nhất 1 triệu đồng, còn bây giờ ngày nào nhiều cũng chỉ kiếm được 2 – 3 trăm nghìn, cũng có ngày câu không được đồng nào. Theo ông Công, nguồn lợi cá dìa sụt giảm là do người dân khai thác quá mức nguồn lợi cá dìa, nhất là cá dìa con để làm giống, một nguyên nhân khác là do nguồn nước bị ô nhiễm bởi nước thải của các cơ sở chế biến thủy sản quanh khu vực cửa sông của phường Phổ Thạnh.

Trước tình hình sụt giảm nghiêm trọng nguồn lợi cá dìa, cuối năm 2018, từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện Đề tài “Điều tra, đánh giá nguồn lợi cá dìa (Siganus guttatus Bloch, 1787) và xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật ương cá dìa từ cỡ hạt dưa lên cá giống trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” nhằm bảo vệ nguồn lợi cá dìa nói riêng và nguồn lợi thủy sản nói chung trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Tài, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi – Chủ nhiệm đề tài cho biết, qua điều tra, đánh giá nguồn lợi cá dìa tại vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có 4 loài cá dìa chiếm tỷ lệ cao, đó là cá kình 24,2%, cá dìa trơn 13,7%, cá dìa xanh 6,4% và chiếm tỷ lệ cao nhất là cá dìa công 55,7% - đây cũng là loài cá dìa được đưa vào ương thành cá giống và nuôi thương phẩm.

Cá dìa công có tên khoa học là Siganus guttatus Bloch, 1787, là loài cá di cư và sống theo bầy đàn. Chúng thành thục sau 1 – 2 năm tuổi. Ở giai đoạn ấu trùng sinh sống chủ yếu ở vùng nước lợ, giai đoạn cá con sinh sống tại các vùng cửa sông, các bãi đá, rạn san hô, rong biển. Khi trưởng thành thì di cư ra biển, tìm đến các ghềnh đá, bãi san hô để sinh sản, nơi có nhiệt độ nước 24 – 280C. Đặc điểm nhận biết của loài cá dìa công là thân có hình bầu dục, dẹt 2 bên, mắt to tròn, đầu nhỏ, thân trơn nhẵn, màu hơi đen, trên thân có những chấm vàng sẫm, bụng màu bạc, vây lưng và vây hậu môn có gai cứng. Ngoài tự nhiên, cá dìa có thể đạt đến kích thước chiều dài thân đến 14cm trong vòng 7 – 8 tháng. Trong điều kiện nuôi cá dìa công có thể đạt chiều dài 36 – 38cm trong thời gian hơn 10 tháng. Cá dìa công có thịt thơm ngon chứa nhiều chất béo, bổ dưỡng, ít xương và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Cá dìa công là loài có sản lượng cao nhất trong họ cá dìa phân bố tại tỉnh Quảng Ngãi

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Tài, để đẩy mạnh công tác bảo vệ nguồn lợi cá dìa cần thực hiện các gải pháp sau:

Thứ nhất, Tăng cường công tác thông tin – tuyên truyền để người dân sinh sống tại các vùng cửa sông, các vùng bãi đá, rạn san hô và người dân hành nghề khai thác thủy sản nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi cá dìa nói riêng và nguồn lợi thủy sản nói chung, tuyệt đối không được sử dụng các loại ngư cụ đánh bắt mang tính hủy diệt như lưới kéo… Nâng cao vai trò của cộng đồng trong khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi cá dìa.

Thứ hai, Tăng cường công tác quản lý chất thải của các cơ sở chế xuất, chế biến thủy sản tại các vùng cửa sông, các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá… để bảo vệ môi trường sinh sản, sinh trưởng của cá dìa. Tăng cường quản lý việc chấp hành các qui định trong việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.

Thứ ba, Khuyến khích người dân chuyển đổi từ nghề khai thác cá dìa tự nhiên sang nghề ương cá dìa giống và nghề nuôi cá dìa thương phẩm.

Thứ tư, Lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ nguồn lợi cá dìa thông qua các chương trình tập huấn kỹ thuật, tham quan, tổng kết các mô hình nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản.

Thứ năm, Triển khai các mô hình ương cá dìa từ cỡ hạt dưa lên cá giống, các mô hình nuôi cá dìa thương phẩm trong ao và trong lồng để hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật đến với người dân, góp phần chuyển đổi nhanh nghề nghiệp cho người dân, đồng thời chủ động nguồn giống cá dìa và phát triển bền vững nghề nuôi cá dìa thương phẩm tại tỉnh Quảng Ngãi.

Thứ sáu, Khuyến khích phát triển nghề trồng rong biển, hạn chế thu vớt rong, khai thác rạn san hô… vì đây là nơi gắn liền với đời sống, quá trình sinh trưởng, phát triển của cá dìa.

Mạnh Hùng

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi