Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trao đổi với ngư dân, giúp ngư dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ. Qua diễn đàn, ngư dân cũng được tiếp cận thông tin dự báo ngư trường, mở rộng ngư trường đánh bắt. Từ đó, giảm áp lực đánh bắt gần bờ, nâng cao các dịch vụ hậu cần nghề cá, giảm tổn thất sau thu hoạch, khắc phục rủi ro trên biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Toàn cảnh diễn đàn

Trong những năm trở lại đây, lĩnh vực khai thác hải sản được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và đã có bước phát triển vượt bậc. Từ đội tàu thủ công lạc hậu, đến nay cả nước đã có trên 31.500 tàu cá xa bờ (tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên) trên tổng số gần 98.000 tàu khai thác thủy sản. Tuy nhiên, nhìn chung lĩnh vực khai thác hải sản vẫn mang nặng tính thủ công, nhiều khâu trong sản xuất vẫn phải sử dụng lao động trực tiếp, năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn (từ 20-30%).

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, hiện nay, hầu hết các tàu cá nước ta đều được đóng bằng gỗ (chỉ có 332 tàu vỏ thép và 115 tàu được đóng bằng vật liệu composit, trong đó 42 tàu composite đóng bằng nguồn vốn của Nghị định 67) do đó tuổi thọ và độ an toàn của tàu thường thấp, khả năng cơ giới hóa các khâu sản suất trên tàu cũng bị hạn chế. Máy tàu được sử dụng phần lớn là máy cũ hoặc dùng các máy ôtô vận tải hạng nặng đã cũ để lắp xuống tàu. Do máy cũ lại sai công năng sử dụng, nên các loại máy này độ bền thường thấp, hay bị hỏng hóc bất thường, ảnh hưởng đến độ an toàn và hiệu quả chuyến biển.

Ngoài ra, trang thiết bị khai thác trên tàu chưa đầy đủ, chưa được cơ giới hóa nhiều nên hạn chế về hiệu quả khai thác và an toàn sản xuất… Trang thiết bị bảo quản sản phẩm đánh bắt trên tàu chưa được cải thiện. Các tàu đánh cá chỉ có hầm chứa nước đá, muối và thường chưa đạt tiêu chuẩn cách nhiệt, chưa có hệ thống bảo quản lạnh hiện đại nên chỉ cho phép thời gian bảo quản ngắn, trong khi thời gian chuyến biển bị kéo dài do ngư trường khai thác ven bờ ngày càng cạn kiệt dẫn đến tổn thất và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm đánh bắt khi về bến.

Để nâng cao hiệu quả trong khai thác hải sản, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động trên tàu, công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác hải sản cần đi trước một bước. Trước tiên, tàu thuyền phải được thiết kế hợp lý, vật liệu đóng tàu phải đáp ứng được môi trường làm việc khắc nghiệt, cơ giới hóa các khâu sản xuất, thiết bị bảo quản phải đáp ứng được yêu cầu bảo quản sản phẩm dài ngày trên biển”, ông Tuấn khẳng định.

Từ năm 2013 đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang triển khai dự án Movimar gắn các thiết bị thu tín hiệu từ vệ tinh cho 3.000 tàu cá. Tàu cá gắn thiết bị này sẽ nhận được thông tin dự báo thời tiết, dự báo ngư trường, tự động báo vị trí tàu về bờ 2 giờ/lần; các thông tin hướng dẫn tránh trú bão và các thông tin quan trọng khác từ các cơ quan quản lý thủy sản trong bờ…

Một số thiết bị hàng hải tiến tiên được trưng bày, giới thiệu tại diễn đàn để ngư dân tiếp cận thông tin và ứng dụng vào khai thác

Tại diễn đàn, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) cho biết, đã ứng dụng phần mềm trong thiết kế vỏ tàu và một số kỹ thuật mới trong thi công, chế tạo tàu vỏ thép, composite đảm bảo tăng độ bền, tiết kiệm vật liệu. Các loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa quá trình đánh bắt tiếp tục được ứng dụng, chuyển giao, như: Máy thu lưới vây tang treo, máy thu - thả câu cá ngừ đại dương của nghề câu tay kết hợp ánh sáng tại Bình Định, hệ thống căng tăng gông và thu thả lưới cho nghề lưới chụp cũng được ứng dụng trên nhiều địa phương... Các thiết bị điện tử hàng hải như máy đo sâu - dò cá, máy định vị, máy thông tin liên lạc đã được sử dụng phổ biến trên tàu cá trong khu vực. Một số thiết bị điện, điện tử hiện đại như máy dò cá ngang, ra-đa, máy thông tin liên lạc đa chức năng, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, máy nhận dạng tự động AIS đảm bảo an toàn cho người và tàu trên biển… đã được lắp đặt trên một số tàu cá hoạt động xa bờ...

Kỹ thuật sử dụng ánh sáng màu, đèn ngầm, đèn LED đã bước đầu được nghiên cứu, thử nghiệm nhằm thay thế hệ thống đèn cao áp truyền thống trong các nghề khai thác kết hợp ánh sáng nhằm tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả khai thác.

Công nghệ bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch trên tàu khai thác xa bờ đang được các địa phương triển khai đưa vào sử dụng như: Bộ thiết bị làm chết cá nhanh, thiết bị làm lạnh nhanh nước biển đã được ứng dụng trên các tàu câu cá ngừ ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa giúp thân nhiệt cá giảm về nhiệt độ thấp trong thời gian ngắn để giữ chất lượng thịt cá trước khi đưa vào bảo quản bằng nước đá, góp phần giảm tổn thất chất lượng sản phẩm; Hầm bảo quản sản phẩm trên tàu sử dụng vật liệu Polyurethane (PU) có khả năng giữ nhiệt tốt, làm cho đá lâu tan hơn, nên có thể bảo quản sản phẩm được dài ngày hơn so với hầm bảo quản truyền thống;...

Các đại biểu tham quan mô hình ứng dụng vật liệu PU FOAM và composite làm hầm bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn, cho hay ngư dân vẫn đang phải đối mặt với thiên tai địch họa trên biển nên việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong đánh bắt sẽ giúp họ giảm thiểu rủi ro, thiệt hại. Nghiệp đoàn mong rằng các công ty cần có cơ chế hỗ trợ cho các nghiệp đoàn nghề cá một số thiết bị hiện đại để ngư dân tiếp cận và từ đó nhân rộng.

Ngư dân đặt câu hỏi thảo luận tại diễn đàn

Thông qua thảo luận và trao đổi tại diễn đàn, các chuyên gia, cố vấn đã giải đáp thỏa đáng gần 40 câu hỏi của bà con ngư dân, tập trung vào các nội dung: ứng  dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ; chính sách khuyến khích để ngư dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại tàu cá, chuyển đổi nghề, vươn khơi bám biển; vấn đề thực thi Luật Thủy sản và quản lý tàu cá, cảng cá...

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các cơ quan quản lý tăng cường đầu tư xây dựng các cảng biển, khu trú bão...; tăng cường quản lý tàu khai thác xa bờ; tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững;... 

Các cơ quan nghiên cứu khoa học (viện, trường, doanh nghiệp) tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, đổi mới, sáng tạo các trang thiết bị trên tàu để hạ giá thành sản phẩm, giảm lao động trực tiếp, tăng lợi nhuận cho ngư dân. 

Đối với các cơ quan chuyển giao, trung tâm khuyến nông các tỉnh, hiệp hội, nghiệp đoàn nghề cá… đẩy nhanh việc xây dựng các mô hình khai thác, bảo quản có hiệu quả cao; tiến hành đồng bộ với đào tạo ngư dân theo hướng "cầm tay chỉ việc" và thông tin tuyên truyền cho nhiều người biết.

Đối với ngư dân, cần mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm trên tàu để nâng cao hiệu quả trong khai thác, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác, không vi phạm pháp luật… góp phần bảo vệ an ninh biển đảo và gỡ thẻ Vàng EU.

Thu Hằng - Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia