Sau trận lũ dài ngày, nhiều nông dân Quảng Trị rơi vào cảnh “trắng tay” do lúa bị hư hại. Cũng như nhiều nông dân bị thiệt hại do mưa lũ gây ra, mấy ngày hôm nay chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn 4 xã Hải Định, huyện Hải Lăng cùng một số người thân đang túc trực tại Trung tâm để đưa lúa bị hư hỏng do ngập chìm trong mưa lũ vào sấy nhằm vớt vát phần nào có thể.

Trận lũ lớn kéo dài đã làm 4 tấn lúa khô của gia đình chị bị ngập trong nước lũ gần 1 tuần. Đây là lúa gia đình chị dùng làm lương thực và dùng làm lúa giống cho 9 ha diện tích đất ruộng trong vụ Đông Xuân  2020- 2021 sắp đến nhưng giờ đã bị ẩm ướt, lên mộng.

Chị Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi vận chuyển lúa ra đến Trung tâm, chị đã được cán bộ của Trung tâm giúp đỡ rất nhiệt tình trong việc vận chuyển và đưa vào lò sấy. Tuy nhiên, do lúa ngâm trong nước lâu ngày nên sau khi sấy xong chủ yếu đưa về để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

“Mong muốn của gia đình là thời gian đến sẽ hỗ trợ một phần giống lúa cho gia đình và bà con nông dân chúng tôi trong vụ Đông Xuân đến”, chị Hồng nói.

Chị Hồng và các hộ dân đang túc trực để đợi sấy lúa

 

Còn gia đình ông Nguyễn Thanh Dần ở thôn Thanh Sơn, xã Thanh An, huyện Cam Lộ, cho biết, lũ về bất ngờ khiến ông không kịp “trở tay”. Nhiều đồ đạc, tài sản có giá trị đã bị nước cuốn trôi, trong đó 1,2 tấn lúa khô sau thu hoạch đã bị nước làm hư hỏng nặng. Được tin Trung tâm đưa lò sấy vào giúp dân, ông Dần đã chở toàn bộ số lúa khô bị ướt đến đây để sấy. 

"Lúa nhà tôi bị ngập sâu trong nước hai ngày liền, sau lũ lụt thời tiết lại mưa liên miên làm cho hạt lúa càng hư hỏng thêm. Nếu không được Trung tâm giúp thì chúng tôi không làm gì được, hy vọng sau khi sấy vẫn có thể dùng làm lương thực được." – ông Dần cho hay.

Ông Dần vận chuyển lúa về nhà sau khi được Trung tâm giống hỗ trợ sấy

 

Nhằm hỗ trợ người dân sau lũ, trong gần nửa tháng qua Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi Quảng Trị đã huy động tối đa nhân lực, túc trực ngày đêm, điều khiển chạy 8 lò sấy, mỗi lò sấy có công suất 12 - 13 tấn/mẻ/ngày. Đến nay Trung tâm đã sấy trên 1.000 tấn lúa bị ướt và lên mầm cho người dân.

Trung tâm coi đây là một nhiệm vụ, không đặt nặng dịch vụ lấy lãi, chỉ thu lại chi phí tiền than, tiền điện. Hiện tại Trung tâm đang hỗ trợ 20% chi phí khi sấy lúa cho bà  con, tương đương mức hỗ trợ 150.000 đồng/tấn.

Ông Phạm Xuân Tuyên, Giám Đốc Trung tâm Giống Cây trồng Vật nuôi tỉnh Quảng Trị cho biết, một số vùng trên địa bàn tỉnh nông dân có tập quán để lại lúa làm giống. Lúa khô bị ngập trong nước thủy phần trong lúa lớn nên sau khi sấy xong chất lượng lúa đã xuống. Vì vậy, bà con không nên sử dụng lúa sấy này làm lúa giống cho vụ tới vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ nảy mầm và chất lượng gieo trồng sau này.

“Trung tâm Giống Cây trồng Vật nuôi tỉnh được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị, trong thời gian tới sẽ liên hệ với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, các giám đốc các HTX thông báo bà con nên đăng ký giống tại các HTX. Để chia sẻ với bà con, Trung tâm sẽ tìm nguồn hợp lý cho các HTX nợ tiền giống đến khi thu hoạch vụ Đông Xuân. Mong muốn của Trung tâm là chuyển giao giống tốt, chất lượng đảm bảo cho bà con gieo trồng cho vụ Đông Xuân 2020-2021”, ông Tuyên cho hay.

Ông Tuyên kiểm tra chất lượng lúa sau sấy

 

Để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, giúp bà con nông dân sớm ổn định sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã; yêu cầu các đơn vị trong ngành khẩn trương chỉ đạo đến tận cơ sở khôi phục sản xuất do mưa lũ.

Tiến hành rà soát, tổng hợp thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, gửi Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp để tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị trình Chính phủ hỗ trợ nhằm giúp nông dân ổn định đời sống và tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 đảm bảo diện tích và kịp thời vụ.

Phan Việt Toàn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị