Tham dự hội nghị có đại diện của các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT; đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, chi cục trồng trọt - bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông các tỉnh/thành phía Bắc, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp.

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Vụ Hè Thu, vụ Mùa 2018 tại các tỉnh miền Bắc thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường. Ngay đầu vụ (từ cuối tháng 6 đến đầu tuần tháng 7) liên tiếp các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời từ 38 đến hơn 400C, nhiệt độ trung bình cao hơn. Tổng lượng mưa thấp hơn so với cùng kỳ năm trước đã ảnh hưởng đến thời vụ gieo cấy tại các tỉnh Bắc Bộ. Từ tháng 8 đến nửa đầu tháng 10 đã xuất hiện 3 cơn bão, trong đó bão số 4 (Bebinca) đổ bộ trực tiếp vào Thanh Hóa và gây mưa lớn diện rộng cho khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, số 4 và các đợt mưa lũ tháng 7 - 8/2018 đã gây ngập úng trên 100 nghìn ha lúa, một số địa phương bị ngập úng diện rộng như Nam Định ngập 27.500 ha, Hải Dương 19.600 ha, Thanh Hóa 13.500 ha... Lúa và rau màu đã bị thiệt hại nặng và phải gieo cấy lại. Tình hình sâu bệnh hại diễn biến phức tạp, trong đó diện tích bị nhiễm rày nâu và rày lưng trắng là 112.844 ha, nhiễm sâu cuốn lá nhỏ 167.667 ha, bị bệnh lùn sọc đen 934,2 ha…

Tuy nhiên vụ Hè Thu, vụ Mùa 2018 các tỉnh phía Bắc được đánh giá là vụ được mùa. Diện tích gieo cấy lúa vụ Hè Thu 2018 tại các tỉnh Bắc Trung Bộ đạt 174 nghìn ha (giảm 3 nghìn ha (2%) so với năm 2017); Năng suất trung bình đạt 49,0 tạ/ha (tăng 1,9 tạ/ha (4%) so với vụ Hè Thu 2017); Sản lượng đạt 853 nghìn tấn (tăng 20 nghìn tấn (2,4%) so với vụ Hè Thu 2017).

Vụ Mùa 2018 toàn miền Bắc gieo cấy đạt 1.118 nghìn ha (giảm khoảng 17 nghìn ha (1,4%) so với 1134 ha vụ Mùa 2017). Trong đó: vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 525 nghìn ha (giảm khoảng 12 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước); vùng Bắc Trung Bộ đạt 166 nghìn ha (giảm khoảng 3 nghìn ha so với vụ Mùa 2017); Trung du miền núi phía Bắc đạt 427 nghìn ha (giảm 2 nghìn ha so với vụ Mùa 2017). Năng suất trung bình của các tỉnh phía Bắc trong vụ Mùa 2018 ước đạt 50 tạ/ha, tăng 3,5 tạ/ha so với năm 2017. Sản lượng toàn miền Bắc ước đạt 5,6 triệu tấn (tăng khoảng 323 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó: vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 2,869 triệu tấn, tăng 310 nghìn tấn so cùng kỳ; vùng Bắc Trung Bộ đạt 761 nghìn tấn, giảm 29 nghìn tấn; vùng Trung du miền núi phía Bắc đạt 1,965 triệu tấn, tăng 42 nghìn tấn so với năm 2017.

Vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019 dự báo tình hình thời tiết diễn biến khó lường. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng Enso nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái El Nino từ tháng 11/2018 với xác suất khoảng 60-70%. Nhiệt độ trung bình tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong các tháng 11/2018, tháng 3 và tháng 4 năm 2019 có khả năng cao hơn trung bình năm ngoái khoảng 1,00C, tháng 12/2018 ở mức xấp xỉ trung bình năm ngoái cùng thời kỳ, tháng 1 và tháng 2 năm 2019 ở mức cao hơn trung bình năm ngoái cùng thời kỳ khoảng 0,50C. Như vậy vụ Xuân tới cũng là vụ Xuân nghiêng ấm, mưa ít và tình trạng thiếu hụt dòng chảy có thể lặp lại, hạn hán có khả năng tái diễn tại Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc.

Kế hoạch đặt ra là vụ Đông Xuân 2018 - 2019 toàn phía Bắc gieo cấy 1.122 nghìn ha, giảm khoảng 5,6 nghìn ha so với vụ Đông Xuân trước; năng suất trung bình đạt 64,3 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với năm trước; sản lượng ước đạt khoảng 7,216 triệu tấn, giảm khoảng 16,2 nghìn tấn so với vụ lúa Đông Xuân 2017 - 2018.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Bộ NN&PTNT. Vụ Hè Thu và vụ Mùa 2018, các tỉnh đã thực hiện tốt cơ cấu giống, thời vụ gieo cấy, áp dụng biện pháp thâm canh lúa tổng hợp góp phần hạn chế sâu bệnh hại, tăng năng suất. Theo đó, tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như bón phân cân đối theo nhu cầu sinh trưởng của cây lúa, không bón thừa phân đạm, tăng sử dụng phân tổng hợp NPK, thay thế phân đơn; đẩy mạnh ứng dụng chương trình IPM, 3 giảm 3 tăng, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), áp dụng biện pháp làm mạ khay, máy cấy, điều tiết nước hợp lý; thường xuyên theo dõi đồng ruộng… Để thực hiện tốt kế hoạch vụ Đông Xuân tới, các đại biểu đã thảo luận những giải pháp như theo sát điều kiện thời tiết giúp có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời; áp dụng cơ giới hóa để giảm giá thành sản xuất; ưu tiên mở rộng diện tích trồng lúa lai F1; bón phân cân đối, dự tính dự báo sâu bệnh hại….

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kết luận tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh thêm một số giải pháp và đề nghị các đơn vị thuộc Bộ có kế hoạch hỗ trợ các địa phương quyết liệt ngay từ đầu vụ để chủ động sản xuất, tiếp tục khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã được thực tế chứng minh hiệu quả trong sản xuất.

Với kinh nghiệm chỉ đạo nhiều năm của các địa phương trong những tình huống thời tiết vụ Xuân biến động, những tiến bộ kỹ thuật mới cập nhật vào sản xuất, tính chủ động ngay từ đầu vụ… tin tưởng rằng vụ sản xuất Đông Xuân 2018 - 2019 tiếp tục gặp hái được những thành công và đạt kế hoạch đề ra./.

Lãnh đạo Bộ NN và PTNT, lãnh đạo tỉnh Nam Định thăm quan mô hình trồng lúa chất lượng cao của Hợp tác xã Toàn Thắng, xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (Ảnh: Văn Đạt - TTXVN)

TS. Trần Văn Khởi

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia