Lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm rơm kéo dài 25 ngày, tuy nhiên các học viên chỉ tập trung 3 buổi học cách nhau từ 10 -12 ngày để thực hiện các công đoạn theo quy trình trồng nấm thực tế: vệ sinh địa điểm, dụng cụ, nguyên vật liệu; xử lý giá thể (đất, rơm) và ủ rơm; đảo trộn, làm tơi, xếp mô rơm và cấy meo giống; chăm sóc cây nấm, thu hái và bảo quản sản phẩm nấm rơm sau thu hoạch. Qua đó, nông dân có thể làm được tất cả các thao tác, nhận ra được các lỗi thường gặp, cách phòng tránh và xử lý khắc phục những lỗi sai khi trồng nấm.

Các học viên thực hành ủ rơm

Bên cạnh việc thực hành, nông dân cũng được trang bị rất nhiều kiến thức lý thuyết về đặc điểm sinh học của nấm rơm, nguồn dinh dưỡng cho cây nấm, các yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của nấm rơm, kỹ thuật trồng và bảo quản sản phẩm nấm rơm.

Kỹ thuật trồng nấm rơm khá đơn giản, chi phí đầu tư sản xuất không nhiều, thời gian quay vòng vốn ngắn, tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường xung quanh. Việc trồng nấm rơm cũng kéo theo nhiều dịch vụ như: thu mua, sơ chế, chế biến sản phẩm nấm giá trị gia tăng, nuôi trồng meo nấm, kinh doanh phân rơm mục, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động ở nông thôn,… góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Sóc Trăng theo định hướng phát triển ổn định, phát triển kinh tế xã hội ngày càng vững mạnh./.

Tú Anh