Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giao cho chủ trì triển khai hợp tác ASEAN về đào tạo nông nghiệp và các hoạt động liên quan đến khuyến nông. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức lớp tập huấn sản xuất hồ tiêu bền vững cho các nước ASEAN.

Khóa tập huấn kéo dài 9 ngày (từ ngày 21-29/8/2017) tại thành phố Vũng Tàu – tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Tham gia khóa học có 22 học viên đến từ các nước ASEAN (Thái Lan, Philipine, Malaysia, Lào, Việt Nam).

Tại lớp tập huấn, học viên được học và chia sẻ các vấn đề lý thuyết về sản xuất hồ tiêu như: yêu cầu sinh thái cho cây hồ tiêu, cách thiết kế đường đi trong lô hồ tiêu, cách chọn các loại trụ tiêu, các giống hồ tiêu phổ biến ở Việt nam và kỹ thuật nhân giống hồ tiêu, cách đào hố trồng tiêu và thời vụ trồng, cách trồng cây che bóng, cách trồng hồ tiêu trên cây trụ sống, cách chăm sóc vườn hồ tiêu, cách làm cỏ, trồng cây che phủ đất, các vấn đề về quản lý dinh dưỡng cho hồ tiêu, quản lý sâu, bệnh hại…

Học viên thực hành giâm hom tiêu

Một phần quan trọng của khóa học là thực hành kỹ thuật nhân giống, tỉa cành tạo tán hồ tiêu. Với phần thực hành về nhân giống hồ tiêu, lớp học được chia thành 4 nhóm thực hành cách trộn giá thể để đóng bầu, cách chọn dây tiêu, cách tách dây tiêu mẹ ra khỏi trụ, cách chọn và cắt các hom tiêu tốt, cách xử lý hom giống, cách giâm hom giống vào luống và vào bầu, cách tưới nước cho hom tiêu sau giâm và lưu ý những thao tác quan trọng như khử trùng dao cắt, cách gỡ tiêu từ dưới gốc lên, cách cắt dây tiêu không bị dập, gẫy trong quá trình gỡ… Về kỹ thuật tỉa cành tạo tán cho hồ tiêu, sau khi thực hành, học viên đã biết cách loại bỏ các dây yếu, dây bệnh, cách buộc và phân bố đều các dây thân chính to khỏe trên trụ tiêu. Học viên thu thập mẫu sâu, bệnh hại trên vườn hồ tiêu, trao đổi thảo luận và nhận biết về sâu bệnh hại, đề xuất các biện pháp phòng trừ một cách hiệu quả.

Học viên nhận biết triệu chứng bệnh của cây tiêu 

Học viên cũng được bố trí tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại mô hình tưới nước tiết kiệm cho hồ tiêu và doanh nghiệp tư nhân dịch vụ thương mại Kiều Nguyên ở xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Lớp học đã nhận được những đánh giá tích cực từ các học viên tham gia.

Học viên Soledad đến từ Philippine chia sẻ đã có cơ hội được học hỏi và chia sẻ về sản xuất hồ tiêu của các nước ASEAN, đặc biệt được tiếp thu những kiến thức hay, những bài học kinh nghiệm quý giá của Việt Nam - một đất nước thành công trong sản xuất hồ tiêu. Sau khóa học, chị sẽ tiếp tục chia sẻ những kiến thức, kỹ năng đã học được với các cán bộ khuyến nông và bà con nông dân của đất nước mình để thực hành quản lý sản xuất hồ tiêu một cách hiệu quả và bền vững.

Học viên Lhambeiul kouphilalay của Lào cho biết ở Lào, phát triển cây tiêu còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu cán bộ kỹ thuật và trình độ canh tác hồ tiêu của nông dân còn thấp. Khóa học thực sự bổ ích, giúp anh có những kiến thức cơ bản và thực tiễn về sản xuất hồ tiêu.

Học viên Ahmad Arisa Bin Kachon từ Malaysia cho biết đã học hỏi được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm và các công nghệ trong sản xuất hồ tiêu của Việt Nam. Anh nhận thấy vấn đề sử dụng cây trụ sống cho hồ tiêu ở Việt Nam rất hiệu quả, khi về nước anh sẽ chia sẻ với đồng nghiệp và bà con nông dân về những gì đã học được và lựa chọn để áp dụng cho phù hợp, đặc biệt vấn đề sử dụng cây trụ sống cho hồ tiêu.

Học viên Chalermchon Changthom đến từ Thái Lan khẳng định sẽ đem những kiến thức học được chia sẻ cho các bạn bè đồng nghiệp và chuyển giao cho nông dân trồng tiêu của đất nước mình để nâng cao hiệu quả sản xuất hồ tiêu. Anh rất vui vìđược trải nghiệm cuộc sống ở đây và trên hết là gặp gỡ những người bạn mới đến từ các nước ASEAN.

Học viên Chalermchon Changthom đến từ Thái Lan chia sẻ cảm nhận khi được tham gia lớp tập huấn

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia