Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh cho biết, những năm qua, ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế đã đạt được các kết quả quan trọng. Khuyến nông đã xây dựng các mô hình khuyến nông phù hợp với nguyện vọng, điều kiện sản xuất của các địa phương và được bà con nông dân đồng tình, hưởng ứng. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nông nghiệp tuy có tăng trưởng, nhưng thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp; khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa phát triển, sản phẩm chưa có thương hiệu; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít. Đặc biệt, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cao trong sản xuất chưa nhiều, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển nhưng hiệu quả chưa cao.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Tổ chức FAO cùng đồng hành và hiến kế cho tỉnh tìm ra những giải pháp thích hợp giúp ngành nông nghiệp của tỉnh có những bước phát triển nhanh, mạnh, bền vững hơn trong tương lai, phù hợp với xu thế chung của cả nước, cũng như trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Đoàn công tác của TTKNQG và Tổ chức FAO chụp ảnh cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế

 

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao những tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Trong năm 2021 có 5 dự án Khuyến nông trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm: Xây dựng và phát triển mô hình trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn cây keo lai mô và keo tai tượng tại một số tỉnh miền Trung; Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo ATTP tại một số tỉnh ven biển miền Trung; Nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; Ứng dụng công nghệ CPF (Composite Polyurethane) trong bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ; Áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ thâm canh vườn bưởi Thanh trà sau bão lũ. Trong đó có một số dự án rất cần được tuyên truyền nhân rộng. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hợp tác với tỉnh phát triển các hoạt động khuyến nông tập trung vào các chương trình nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi chủ lực thế mạnh của tỉnh, các tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học, phương pháp canh tác mới, cơ giới hóa; thiết lập các tổ khuyến nông cộng đồng tại Huế để phát triển nghề trồng rừng gỗ lớn; liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại cuộc họp

 

Ông Rémi Nono Womdim - đại diện FAO tại Việt Nam cho biết rất ấn tượng trước sự phát triển ngành nông nghiệp của Thừa Thiên Huế, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, quản lý tài nguyên thiên nhiên. Tổ chức FAO và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ có những hợp tác với tỉnh để hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch; hỗ trợ quan hệ mở rộng thị trường và hỗ trợ các hoạt động hướng dẫn về an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Tại buổi làm việc, đại diện FAO đã thông tin về dự án ‘Nâng cao nhận thức trong phòng ngừa và chống lao động trẻ em tham gia hoạt động sản xuất trên biển’ do Tổ chức FAO, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng và phối hợp tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế với mục tiêu thông qua các hoạt động chương trình nâng cao nhận thức về phòng chống sử dụng lao động trẻ em cho cán bộ cơ sở, ngư dân, góp phần giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em, người chưa thành niên tham gia sản xuất trên biển, xây dựng hình ảnh nền sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

BBT

Xem thêm tin về hoạt động này trên các báo: Nông nghiệp Việt Nam, Báo điện tử Thừa Thiên Huế, Dân Việt