Đó là các sản phẩm làm ra từ cây mía như đường tinh luyện và các sản phẩm khác từ mía; sản phẩm từ cây cao su như mủ cao su và các sản phẩm chế biến từ mủ cao su; tinh bột sắn và các sản phẩm chế biến sau tinh bột sắn; rau thực phẩm các loại gồm: rau ăn lá (rau cải các loại, rau rừng), rau ăn quả (khổ qua, dưa leo, bí đao, ớt); trái cây như mãng cầu (na), chuối, xoài, bưởi, dứa, sầu riêng và sản phẩm chế biến từ trái cây; thịt bò và các sản phẩm chế biến từ thịt bò; sữa bò và các sản phẩm chế biến từ sữa bò tươi; thịt lợn; thịt gà và trứng gà; dược liệu và các sản phẩm bào chế, chiết xuất từ cây dược liệu.

Việc xác định các loại cây, con chủ lực này nhằm mục tiêu quy hoạch, kêu gọi đầu tư với các chính sách ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới. Đây cũng là những sản phẩm có rất nhiều tiềm năng và được nhiều doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất với diện tích khá lớn.

Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm, trong năm 2020, diện tích trồng mía trên địa bàn tỉnh là 6.963 ha, đạt sản lượng 526.000 tấn/năm; diện tích cây cao su là 93.220 ha (chiếm 34,7% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp), sản lượng đạt 172.568 tấn/năm; đàn bò thịt là 86.500 con, đạt sản lượng 8.370 tấn thịt/năm. Bên cạnh đàn bò sữa nuôi quy mô hộ gia đình tại các huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, Bến Cầu…, trang trại bò sữa của Công ty Vinamilk tại huyện Bến Cầu có quy mô 7.952 con, sản lượng sữa đạt khoảng 42.000 tấn/năm. Tổng đàn lợn của tỉnh hiện có 197.315 con, sản lượng đạt 43.000 tấn/năm; 6.100.000 con gà, sản lượng đạt 34.000 tấn/năm. Rau thực phẩm các loại có diện 21.069 ha, sản lượng đạt 388.580 tấn/năm và phát triển theo hướng VietGAP, GlobalGAP…, có khả năng cạnh tranh và cung cấp các loại rau sạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh./.

TTXVN