Tại Cần Thơ, đoàn đã đi tham quan học tập mô hình nuôi lươn không bùn, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái, mô hình trồng dưa leo an toàn. Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt được đánh giá là sáng kiến hay, chi phí thấp, áp dụng tốt ở điều kiện Nam Bộ do các tỉnh phía Nam không có mùa đông và nhiều nơi đã chủ động sản xuất được lươn giống. Mô hình này đã thay đổi cách nghĩ của nông dân, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí thức ăn, không gây ô nhiễm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Tại Tiền Giang, đoàn đã tham mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học, mô hình trồng bưởi da xanh, mô hình tưới nước tiết kiệm cho thanh long. Mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học được đánh giá cao với ưu điểm không tốn công lao động dọn chuồng; giảm chi phí do tiết kiệm điện nước (để tắm rửa cho đàn lợn); lợn hầu như không mắc bệnh; giảm mùi hôi rõ rệt do đó đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, gia đình đã tái sử dụng chất thải độn chuồng từ chăn nuôi lợn để trồng gừng trong bao túi, bước đầu cho hiệu quả rõ rệt như: gừng phát triển tốt, không bị thối khi trời mưa, năng suất đạt 1,5 kg/túi. Mô hình trồng thanh long áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời rất hiệu quả và hiện đang được nhân rộng ở địa phương.

Tham quan mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây thanh long

Tại thành phố Hồ Chí Minh, đoàn đã đi thăm mô hình nuôi cá cảnh, mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel, mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Các đại biểu đặc biệt chú ý đến mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao. Do áp dụng công nghệ nuôi bò sữa của Israel nên năng suất cho sữa của đàn bò ở trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa cao hơn so với nuôi truyền thống 19%.  Qua trao đổi được biết lượng sữa vắt từ đàn bò tại trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel đạt mức 24,5kg/con/ngày, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Tính ra, sản lượng sữa bình quân của bò sữa nuôi tại trại thực nghiệm đang ở mức 7.480 kg/con/chu kỳ (305 ngày). Bên cạnh đó các đại biểu cũng rất quan tâm đến mô hình nông nghiệp công nghệ cao và mong muốn có thời gian học tập dài hạn về công nghệ cao tại đây để về áp dụng vào sản xuất của địa phương.

Đoàn tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Chia sẻ về chuyến tham quan học tập, ông Nguyễn Văn Xuyên - giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh cho rằng chuyến đi thực sự bổ ích, cán bộ khuyến nông các tỉnh phía Bắc được trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các tỉnh phía Nam về công tác tổ chức các hoạt động khuyến nông, từ khuyến nông nhà nước đến xã hội hóa công tác khuyến nông. Thông qua việc tham quan học tập các mô hình hiệu quả và trao đổi trực tiếp với các hộ nông dân phía Nam, cán bộ khuyến nông đã đút rút ra được những kinh nghiệm quý và những bài học hay để về áp dụng cho địa phương.

Ông Lê Sỹ Cương, Q. giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương cho biết: Nội dung tham quan rất phù hợp, vừa có mô hình của nông hộ, vừa có mô hình trang trại để cán bộ khuyến nông có thể nắm bắt được cách thức triển khai mô hình. Hiện tại Hải Dương đang triển khai mô hình nuôi lươn có bùn và rất nhiều trang trại chăn nuôi lợn, gà. Sau khi tham quan học tập cũng sẽ áp dụng thử nghiệm mô hình nuôi lươn không bùn và sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để tăng hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đánh giá về chuyến tham quan, ông Phạm Văn Trung, giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình cho rằng, chuyến đi thực sự hữu ích. Qua chuyến tham quan, ông đã học được cách thức tổ chức câu lạc bộ khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang. Ngoài ra, ông còn rất quan tâm đến máy cuốn rơm kết hợp với phun chế phẩm men để ủ chua trộn thức ăn, cách thụ tinh nhân tạo cho dê của Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang. Ông dự định sẽ xem xét áp dụng thử nghiệm tại Ninh Bình. Ông cũng cho biết ở Ninh Bình cũng đã áp dụng nuôi lươn không bùn nhưng chưa thực sự hiệu quả vì rất khó khăn về nguồn giống. Thời gian tới ông sẽ kết nối với các đơn vị phía Nam để mua lươn giống và học hỏi thêm về công nghệ sản xuất lươn giống.

Ông Lại Văn Hiếu – giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nam cho biết: Hiện Hà Nam đang triển khai một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất rau, mô hình sản xuất theo chuỗi. Qua chuyến tham quan học tập này, ông sẽ áp dụng một số mô hình hay như mô hình nuôi lươn không bùn, mô hình chăn nuôi bò sữa theo công nghệ Israel vào sản xuất ở địa phương mình. Ông Hiếu cũng cho biết sẽ đề xuất, tham mưu với tỉnh tái cơ cấu diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, hoa, quả công nghệ cao. Ông Hiếu cũng mong muốn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức các đoàn tham quan học tập hàng năm cho cán bộ khuyến nông giữa các vùng miền, đặc biệt quan tâm đến các mô hình sản xuất theo chuỗi, cách sơ chế, đóng gói tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, mô hình các hợp tác xã kiểu mới.

Ông Nguyễn Đức Thụ - giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đánh giá cao công tác tổ chức lớp chu đáo, sự phối hợp giữa trung tâm khuyến nông các tỉnh/thành phố cũng như các chủ trang trại, mô hình rất chặt chẽ và khoa học. Qua tham quan học tập đã giúp các thành viên trong đoàn học được các phương pháp hoạt động khuyến nông hiệu quả, được chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt vấn đề sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Bên cạnh đó các đại biểu cũng học được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức của bộ máy khuyến nông, chính sách và nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến nông của các địa phương và hiểu được văn hóa của các vùng miền.

Đánh giá về chuyến tham quan, tất cả thành viên trong đoàn nhất trí rằng các mô hình đến tham quan đều rất hiệu quả và phù hợp với yêu cầu đề ra của Đoàn. Các đại biểu đã học hỏi và tiếp thu được nhiều thông tin đạt kết quả mong đợi và sẽ chọn lọc các mô hình hiệu quả, phù hợp để áp dụng vào địa phương. Hơn nữa thành phần đoàn tham quan là lãnh đạo khuyến nông các tỉnh phía Bắc, đây là lực lượng chỉ đạo công tác khuyến nông của các tỉnh. Do đó, được tham quan, học hỏi những cách làm hay đặc thù của các mô hình nông, lâm, ngư nghiệp hiệu quả cũng như trao đổi về phương thức tổ chức xây dựng mô hình và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là cơ hội để đại diện các tỉnh có thêm kinh nghiệm trong việc triển khai công tác khuyến nông của địa phương mình.

Bên cạnh đó thành viên của đoàn cũng cho rằng đối với các mô hình hiện nay cần phải tập trung sản xuất theo quy mô lớn, đảm  bảo số lượng hàng hóa để ký kết với doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra sản phẩm, đặc biệt cần phải sản xuất theo chuỗi hoặc liên kết sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thường xuyên tổ chức các đoàn tham quan học tập trong và ngoài nước về sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp các cán bộ khuyến nông nâng cao kiến thức, kỹ năng về tổ chức quản lý, chỉ đạo sản xuất, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước đổi mới hoạt động công tác khuyến nông, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập./. 

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia