Trong thời gian tập huấn các học viên được học những nội dung rất thiết thực như: kỹ thuật thâm canh cây mạ; kỹ thuật sử dụng phân nén dúi sâu; kỹ thuật chăm sóc trên ruộng lúa cấy; kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa trong vụ xuân; kỹ thuật chế biến rơm rạ thành phân hữu cơ vi sinh để bón cho ruộng lúa...

Ngoài kiến thức lý thuyết trên lớp, các học viên còn được thực hành dùng chế phẩm vi sinh để ủ các phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, thân cây ngô..) thành phân bón, giúp giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế trong việc sử dụng phân bón.

Thông qua lớp tập huấn, các học viên đã tiếp thu được những nội dung quan trọng, phù hợp với điều kiện canh tác cây lúa tại địa phương. Kết thúc lớp tập huấn, các học viên mong muốn sẽ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức lớp tập huấn vào các thời kỳ khác nhau của cây lúa, hướng dẫn các tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh cây lúa nói riêng và trồng trọt nói chung để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.

Chia sẻ tại lớp tập huấn, ông Trịnh Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa cho biết: Thanh Hòa là địa bàn còn nhiều khó khăn của huyện miền núi Như Xuân, năng suất bình quân của cây lúa đang chỉ nằm ở mức trung bình so với các địa phương trong huyện. Một phần nguyên nhân là do các hộ nông dân trên địa bàn còn chưa áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất, vì vậy rất cần những lớp tập huấn để nâng cao kiến thức và kỹ thuật cho bà con trước khi bước vào vụ sản xuất mới./.

Nguyễn Trọng Minh

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa