Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” chưa từng có trong nhiều năm đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã tập trung dự báo, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, vì thế đã giảm thiểu thiệt hại đến mức độ thấp nhất.

Tuy nhiên, hầu hết lượng giống, lương thực dự trữ trong dân để phục vụ đời sống và sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 đã bị hư hỏng hoàn toàn. Các tỉnh Bắc Trung Bộ sản xuất vụ đông 2020 đã bị thiệt hại hoàn toàn khoảng 7.600 ha, trong đó Quảng Trị 3.400 ha, Hà Tĩnh 2.600 ha và Quảng Bình 1.310 ha, Thanh Hóa 300 ha. Tổng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả bị ảnh hưởng khoảng 1.050 ha. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp khoảng trên 3.100 ha, trong đó nhiều nhất là tỉnh Quảng Trị khoảng 1.500 ha... Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại lên tới trên 12.600 ha (chiếm 45,8% tổng diện tích đang nuôi), hơn 800 ô, lồng, 88 tàu thuyền khai thác hải sản bị hư hại. Hơn 38.500 con gia súc, trên 3 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là tỉnh Quảng Bình với gần 18 nghìn gia súc, trên 1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi...

Vườn cây ăn quả bị tàn phá do mưa lũ (ảnh: H.Hồng)

 

Ngoài các giải pháp ứng phó, hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh miền Trung đã triển khai, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra các giải pháp khắc phục hậu quả và thúc đẩy khôi phục sản xuất nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, hạ tầng nông thôn... Trên hết không để người dân bị thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt. Tạo mọi nguồn lực để người dân sớm ổn định sản xuất, trong đó tập trung cho sản xuất.

Nhằm khôi phục những vườn cây đặc sản, hỗ trợ người dân trồng thanh trà ở tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 26/11/2020, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã đi kiểm tra, hướng dẫn người dân khắc phục những thiệt hại tại địa phương này. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên Huế, đợt bão lũ diễn ra thời gian dài vừa qua, khiến 540 ha cây có múi ở địa phương này bị thiệt hại nặng, trong đó, chủ yếu là cây thanh trà và tập trung chủ yếu ở xã Phong Thu (huyện Phong Điền) và phường Hương Vân (thị xã Hương Trà). 

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã đi kiểm tra, hướng dẫn người dân khắc phục những thiệt hại tại tỉnh Thừa Thiên Huế

 

Cùng với đoàn công tác, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn người dân địa phương khôi phục vườn cam, bưởi, đặc biệt là vườn thanh trà ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo đó, đối với cây thanh trà trước tiên phải khôi phục lại bộ rễ cho cây, bằng cách phá váng để cung cấp ô-xy cho rễ, sau đó tiến hành chăm sóc. Cắt tỉa bớt cành đã bị khô héo, khi bộ tán khôi phục và cây mọc mầm trở lại được thì bón thêm phân bón lá để cho cây để cây nhanh phục hồi và phát triển tốt. Đối với những diện tích không thể phục hồi thì mua cây giống trồng thay thế. Đối với những nơi thấp trũng thì phải tạo rãnh thoát nước rộng và sâu, nhằm tiêu thoát nước mùa lũ và cấp nước mùa hạn. Lập vành đê bao quanh vườn, để khi trường hợp ngâp lụt như vừa rồi thì có thể áp dụng bơm tiêu cực, thoát nước đi.

Chuyên gia trong đoàn công tác hướng dẫn bà con kỹ thuật khôi phục bộ rễ cho cây thanh trà

 

Cũng trong ngày 26/11/2020, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác cải tạo đồng ruộng bị đất cát bồi lấp tại thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong; thăm điểm úm gà ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị và tặng cá giống tại Trại sản xuất cá giống nước ngọt Trúc Kinh, xã Gio Quang, huyện Gio Linh; kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng các Thứ trưởng đã thăm và chứng kiến lễ giao cá bố mẹ hỗ trợ tại Trại sản xuất cá giống nước ngọt Trúc Kinh (ảnh: H.Hồng)

 

Sáng ngày 27/11/2020, tại tỉnh Quảng Trị, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai. Để hỗ trợ người dân khắc phục sản xuất sau bão lũ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã có những gói hỗ trợ khuyến nông cho các tỉnh khu vực miền Trung như: Giao 18 lớp tập huấn cho 5 tỉnh miền Trung gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế theo từng nhóm thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt… từ đó, có những giải pháp cụ thể để khắc phục sản xuất sau thiên tai. Giao Trung tâm Khuyến nông các tỉnh xử lý môi trường, thúc đẩy sản xuất các loại rau màu, xử lý các ao nuôi, chăn nuôi gia súc gia cầm. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khảo sát ở các tỉnh miền Trung; đã biên tập và in 03 tờ rơi hướng dẫn bước đầu xử lý các vùng đất nông nghiệp bị vùi lấp, các biện pháp cấp bách phục hồi vườn cam, bưởi, tiêu sau bão lụt. 

Về lâu dài, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp với các địa phương ở miền Trung xây dựng những mô hình khuyến nông dài hạn, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Hoa Trà