Tham dự Hội thảo có hơn 125 đại biểu là đại diện sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trung tâm khuyến nông, chi cục chăn nuôi - thú y, trung tâm giống vật nuôi, doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, chủ trang trại, nông dân tiêu biểu đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hoà Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.

Toàn cảnh hội thảo

Thời gian qua, tình hình sản xuất chăn nuôi trong nước phát triển tương đối tốt. Giai đoạn từ 2011 - 2015, ngành chăn nuôi luôn duy trì tăng trưởng bình quân 4,5-5,0%/năm. Tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ) đạt 30,5% năm 2015, tăng lên 32% vào năm 2016, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Năm 2016, giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt trên 200 ngàn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2015 đạt khoảng 5,0-5,5%.

Nhận thức rõ vai trò của khoa học công nghệ trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo toàn ngành tích cực nghiên cứu, xây dựng các tiến bộ kỹ thuật (TBKT), ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Từ năm 2011 đến nay việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi đã chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó tập trung nghiên cứu vào một số lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất. Đã có 72 tiến bộ kỹ thuật được công nhận và đã được chuyển giao vào sản xuất trong giai đoạn 2009-2016. Bên cạnh đó các công nghệ mới trong chăn nuôi cũng đã được phổ biến và áp dụng ở nhiều địa phương, đặc biệt những nơi có chăn nuôi trang trại phát triển. Các TBKT được công nhận tập trung nhiều về lĩnh vực giống, thức ăn chăn nuôi, chuồng trại, xử lý môi trường chăn nuôi. Đối với các công nghệ mới, tiên tiến đang ứng dụng bao gồm: sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tự động hoá chuồng nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi.

Tuy nhiên, việc áp dụng các TBKT và công nghệ mới còn có một số hạn chế nhất định do điều kiện đầu tư và trình độ của người chăn nuôi. Trong thời gian tới với định hướng thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi và tham gia hội nhập TPP, ngành chăn nuôi đang nỗ lực nghiên cứu tạo ra nhiều TBKT hơn nữa và chuyển giao áp dụng các công nghệ mới trong chăn nuôi đáp ứng yêu cầu của sản xuất chăn nuôi hiện nay.

Đại biểu chia sẻ những khó khăn, hạn chế trong việc áp dụng TBKT vào sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi

Tổng kết Hội thảo, TS. Hạ Thúy Hạnh cho biết, trong thời gian vừa qua, phục vụ tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp thì tái cơ cấu trong lĩnh vực chăn nuôi đã được sự quan tâm của Bộ NN&PTNT cũng như của các địa phương. Để phát triển bền vững và nâng cao giá trị từ ngành chăn nuôi thì khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng. Các nghiên cứu về giống, dinh dưỡng và thức ăn, phương thức chăn nuôi, thú y... đã được áp dụng vào thực tế sản xuất. Các TBKT mới không những giúp cho người chăn nuôi tăng thu nhập mà còn bảo vệ môi trường. Các mô hình khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi áp dụng TBKT mới đã cho hiệu quả rõ rệt về kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều thách thức mới nên việc nghiên cứu và chuyển giao TBKT cần đẩy mạnh. Theo đó, ngành chăn nuôi cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Về công tác giống: Cần nghiên cứu và chuyển giao những giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp vùng, miền và thích ứng biến đổi khí hậu.

- Về thức ăn chăn nuôi: Cần nghiên cứu thử nghiệm các công thức thức ăn, cân đối khẩu phần ăn, tận dụng các nguồn thức ăn tại chỗ của địa phương để giảm chi phí chăn nuôi.

- Về phương thức chăn nuôi: Cần đề xuất các phương thức chăn nuôi phù hợp với quy hoạch của từng vùng và của từng địa phương.

- Về thú y và bảo vệ đàn vật nuôi: Đẩy mạnh việc nghiên cứu và chuyển giao về an toàn sinh học trong chăn nuôi, tăng cường xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu.

- Về môi trường chăn nuôi: Nghiên cứu và chuyển giao các TBKT trong xử lý môi trường có hiệu quả trong chăn nuôi để áp dụng rộng rãi trong sản xuất như các chế phẩm vi sinh, probiotic... mô hình hóa hệ thống quản lý chất thải trong chăn nuôi.

- Về chính sách: Cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao TBKT và công nghệ mới trong chăn nuôi; Triển khai các chính sách đã được ban hành như Quyết định 50/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ, giúp người chăn nuôi có điều kiện để tiếp cận với TBKT.

Nguyễn Hải - Nguyễn Sâm