Trong chương trình làm việc, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã thăm trại nuôi lợn của anh Phạm Tường Linh tại xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang với quy mô 80 nái, khoảng 1.800 con thịt/năm.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh, anh Linh nhấn mạnh cần kiểm soát mọi khâu từ nguồn giống; con người; vệ sinh, khử trùng chuồng trại; kiểm soát nguồn thức ăn, nước uống; tiêm phòng vắc-xin, tăng cường sức đề kháng cho heo; kiểm soát động vật trung gian,… Hiện tại, trại heo của anh Linh chủ động về con giống, tự tái đàn nên giúp hạ giá thành sản xuất.

Đoàn công tác tham quan trại nuôi heo của anh Phạm Tường Linh

 

Theo báo cáo, hiện nay, Tiền Giang chỉ có khoảng 325 nghìn con lợn, đạt khoảng 68% kế hoạch và khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2019.  Trong đó, lợn nái giống sinh sản gần 19 nghìn con, nái giống hậu bị khoảng 20 nghìn con, đực giống còn khoảng gần 500 con, lợn con theo mẹ khoảng 48 nghìn con, lợn thịt xấp xỉ 238 nghìn con.

Như vậy, so với thời điểm chưa xảy ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tổng đàn lợn tỉnh Tiền Giang đã giảm khoảng là 223,5 nghìn con. Đến nay, Tiền Giang gần như đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch lây lan ra diện rộng, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước. Hiện, tỉnh đang chỉ đạo sát sao, quản lý chặt chẽ việc tái đàn lợn trở lại. Theo đó, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học trước khi tái đàn. Ngay khi có chủ trương tái đàn, 16 trại chăn nuôi gia công (quy mô lớn) đã đăng ký và được kiểm tra đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn sinh học, sau đó tái đàn với số lượng gần 30 nghìn con, góp phần khôi phục đàn lợn của tỉnh. Công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn của tỉnh đang triển khai khá hiệu quả.  

Tại buổi làm việc, TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo đối với hộ chăn nuôi chuồng kín, an toàn sinh học có thể tăng tối đa quy mô chuồng trại; đối với hộ chăn nuôi truyền thống, chuồng hở, cần khảo sát điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học trước khi tái đàn. TS cũng cho biết, dự án chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại các tỉnh Nam Bộ với nguồn vốn khuyến nông trung ương sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian sớm nhất và sẽ hỗ trợ 70% chi phí giống cho bà con tham gia thực hiện.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận buổi làm việc

 

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu tỉnh Tiền Giang chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung vào công tác khôi phục lại đàn lợn, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến an toàn sinh học. Thứ trưởng đề nghị, tỉnh Tiền Giang hoàn thiện hồ sơ để hỗ trợ khẩn cấp cho những hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi chưa nhận được tiền. Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, tín dụng cho vay đối với người chăn nuôi, hỗ trợ đất đai hoặc có cơ chế giúp hộ chăn nuôi lợn khôi phục đàn. Tỉnh Tiền Giang cần học tập các địa phương về công tác hỗ trợ lợn giống. Khuyến khích thông tin tuyên truyền về công tác tăng đàn, tái đàn. Hoạt động khuyến nông cần tiếp tục giới thiệu mô hình khuyến nông hiệu quả về thực hiện an toàn sinh học trong phòng chống dịch; Có thể xây dựng, giới thiệu bằng những video, đĩa hình về mô hình hiệu quả trong công tác phòng chống dịch gửi cho 63 tỉnh, thành học tập.

Tuyết Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia