Toàn cảnh hội thảo

Nam Bộ là vùng trọng điểm của cả nước về sản xuất cây ăn quả với sự đa dạng chủng loại và sản lượng hàng hoá lớn. Một trong những thách thức lớn hiện nay mà ngành sản xuất cây ăn quả, rau, hoa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt là sự tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho vùng ĐBSCL, các viện, trường đã nghiên cứu được nhiều giống và quy trình kỹ thuật mới. Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu những thành tựu trên lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng, giải pháp thâm canh trong trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh, giúp tăng năng suất, sản lượng và chất lượng hàng hóa; nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phục vụ mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang, đại diện trung tâm khuyến nông các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ trang trại tiêu biểu…

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu khái quát về các tiến bộ kỹ thuật, quy trình và giống cây trồng mới phù hợp với sản xuất của các tỉnh miền Nam như: Giới thiệu một số giống mới và tiến bộ kỹ thuật giai đoạn 2012-2017 trên cây ăn quả, rau và hoa cho các tỉnh phía Nam của Viện Cây ăn quả miền Nam; Những tiến bộ kỹ thuật về đậu đỗ và cây có dầu trong sản xuất trồng trọt cho các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long của Viện KHKTNNMN; Giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới trên cây trồng phục vụ cho các tỉnh phía Nam của Viện Lúa ĐBSCL; Tình hình xuất nhập khẩu trên rau, quả của Hiệp hội Rau quả….

Tiến sĩ Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết, trong giai đoạn 2012 - 2017, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực chọn tạo giống, giúp các tỉnh phía Nam nâng cao hiệu quả canh tác vườn cây ăn quả, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. Cụ thể như: lai tạo thành công giống thanh long ruột tím hồng LD95, giống nhãn lai LĐ 11, giống dưa leo F1 LĐ 7,... Các cây ăn quả đầu dòng như: cây đầu dòng xoài, cây đầu dòng chôm chôm, các giống và dòng hoa triển vọng... Bên cạnh đó, Viện còn chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, liên kết sản xuất và đưa ra các giải pháp sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu phục vụ nhu cầu sản xuất, thâm canh cây trồng tại các tỉnh phía Nam.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến về thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, liên kết với doanh nghiệp, hướng sản xuất chuẩn gắn với thị trường tiêu thụ.

TS. Lê Quốc Thanh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cần được thúc đẩy hơn bằng nhiều kênh thông tin. Ông cũng đề nghị các cơ quan nghiên cứu cần tiếp tục nghiên cứu gắn với sản xuất, thị trường trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền hơn nữa hiệu quả các giống mới và quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp được trưng bày tại hội thảo

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia