Tham dự hội thảo có đại diện của 33 Câu lạc bộ khuyến nông (CLB) tiêu biểu, đại diện các phòng, trạm khuyến nông thuộc TT Khuyến nông tỉnh Tiền Giang.

Buổi hội thảo diễn ra trong không khí chân thành và cởi mở với 3 bài tham luận và gần 20 ý kiến trao đổi xoay quanh chủ đề đặt ra. Trong đó, ý kiến của anh Huỳnh Văn Hừng, chủ nhiệm CLB khuyến nông xã Quơn Long (Chợ Gạo) nhấn mạnh về vai trò của CLB đối với công tác khuyến nông: “Trong nhiều trường hợp, một cán bộ khuyến nông truyền đạt về một vấn đề nào đó, người nông dân chỉ hiểu và tin được 40%; nhưng nếu một nông dân sản xuất giỏi, có uy tín làm điều này, nông dân sẽ hiểu và tin 100%”. Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đồng tình và thừa nhận, kể cả những người công tác khuyến nông lâu năm.

Lý giải vì sao “tiếng nói” của một thành viên có uy tín ở CLB lại có sức tác động mạnh mẽ đến những nông dân khác là do giữa nông dân có sự gần gũi, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; có sự giao thoa với nhau về tư tưởng, tình cảm và nguyện vọng với nhau; có sự tương đồng về trình độ và nhận thức; có cùng cách biểu đạt ngôn ngữ; ở cùng địa phương - dễ dàng gặp nhau để giao lưu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm… Ngoài ra, trong quá trình sản xuất nông dân cũng đã tích lũy nhiều kinh nghiệm hay và mang tính thực tiễn cao; nhiều nông dân có tinh thần chịu khó học hỏi và sáng tạo mạnh mẽ (điển hình, nhiều loại máy móc, nông cụ do chính nông dân mày mò chế ra được áp dụng rộng rãi).

Điều này cho thấy, để công tác khuyến nông đem lại hiệu quả thiết thực và rộng khắp hơn nữa thì sự hỗ trợ tích cực từ các CLB khuyến nông theo hình thức khuyến nông cộng đồng (giữa nông dân với nhau) là yếu tố rất quan trọng. Khi hoạt động của các CLB khuyến nông phát huy được hiệu quả thì các mô hình khuyến nông sẽ dễ dàng được nhân rộng. Ngoài ra, sự gắn kết của nông dân với nhau ở CLB cũng sẽ là tiền đề thuận lợi cho sự liên kết sản xuất chặt chẽ hơn ở các hình thức tổ hợp tác sản xuất hay hợp tác xã.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phần lớn các CLB khuyến nông chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi, thậm chí một số CLB chỉ hoạt động cầm chừng. Các nguyên nhân của tình trạng này được các đại biểu trong cuộc hội thảo chỉ ra khá rõ như: chế độ thù lao cho Ban chủ nhiệm và mức hỗ trợ kinh phí cho CLB còn ít, chính quyền địa phương thiếu quan tâm, CLB thiếu người giỏi và nhiệt tình, sự thay đổi Ban chủ nhiệm gây xáo trộn hoạt động CLB, khâu tổ chức ở các CLB thiếu tổ chuyên trách các lĩnh vực chuyên môn…

Thời gian tới, chính quyền địa phương các cấp cùng với ban ngành chức năng cần quan tâm và có những giải pháp hiệu quả trong việc củng cố, thúc đẩy hoạt động của các CLB khuyến nông nhiều hơn nữa. Qua đó giúp cho hoạt động khuyến nông phát huy hiệu quả cao, tạo những tiền đề thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp./.

Ngô Lập Đức

Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang