Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tiếp Ngài Phai-xan Ha-xan I-bra-him,
Phó Chủ tịch Đảng Quốc đại (NCP) Xu-đăng, Trợ lý Tổng thống Xu-đăng

Thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chào mừng Đoàn đến thăm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đánh giá cao việc Đoàn đến Bộ nhằm trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác song phương nói chung, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Cảm ơn Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã dành thời gian tiếp Đoàn, Ngài Phai-xan I-bra-him, Phó Chủ tịch Đảng NCP, Trợ lý Tổng thống nước Xu-đăng rất coi trọng hợp tác nông nghiệp với Việt Nam và đặc biệt với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vai trò đồng Chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp (UBHH) Việt Nam và Xu-đăng.

Ngài Phai-xan I-bra-him cho biết Xu-đăng có diện tích 1,886 triệu km2, dân số xấp xỉ 40 triệu người với khoảng 60% dân số ở vùng nông thôn sống nhờ nông nghiệp. Xu-đăng có các sản phẩm trồng trọt chính là lúa gạo, cao lương, kê, lúa mỳ, bông, lạc, ngô, bông, hướng dương...; chăn nuôi có khoảng 600 triệu vật nuôi, gồm trâu, bò, cừu (kim ngạch xuất khẩu hàng năm, chủ yếu sang các nước láng giềng và khu vực đạt khoảng 25 triệu USD). Với nguồn nước dồi dào, khí hậu đa dạng và còn nhiều vùng đất nông nghiệp chưa được canh tác, Xu-đăng coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về sản xuất lúa gạo, thủy sản, hợp tác chế biến, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi và đồ gỗ.

Nhân dịp này, ngài Phai-xan I-bra-him trân trọng mời Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang thăm Xu-đăng.

Khẳng định việc coi trọng hợp tác với Xu-đăng, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị hai bên huy tích cực hơn nữa cơ chế hợp tác Ủy ban Hỗn hợp.

Về lĩnh vực nông nghiệp, sau khi trao đổi thông tin chung về tình hình sản xuất và thương mại nông sản của Việt Nam, Thứ trưởng khẳng định: Với kinh nghiệm và kỹ thuật của mình, Việt Nam đủ khả năng và sẵn sàng giúp Xu-đăng phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực. Theo đó, Việt Nam có thể giúp về chuyên gia, công nghệ và giống.

Cảm ơn lời mời sang thăm Xu-đăng của ngài Phai-xan I-bra-him, Thứ trưởng cho biết với vai trò là Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong UBHH Việt Nam - Xu-đăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan của Việt Nam để thúc đẩy hợp tác có tiềm năng và thế mạnh của hai nước thực chất và hiệu quả, hướng tới Kỳ họp lần thứ 3 UBHH hai nước trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tiếp chụp ảnh chung với Đoàn Phó Chủ tịch Đảng Quốc đại (NCP) Xu-đăng, Trợ lý Tổng thống Xu-đăng.

Quan hệ Việt Nam – Xu-đăng

Việt Nam và Xu-đăng có quan hệ truyền thống. Xu-đăng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta (Xu-đăng đã cử đặc phái viên của Chủ tịch Hội đồng cách mạng sang dự lễ tang Bác Hồ; Hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1969). Xu-đăng đã công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam và ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn đa phương quốc tế. Xu-đăng mong muốn học tập theo mô hình của Việt Nam trong việc tự chủ về an ninh lương thực, đồng thời trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo và thủy sản.

UBHH Việt Nam - Xu-đăng được thành lập tháng 11/2013, họp Kỳ I vào tháng 4/2014, Kỳ II vào tháng 10/2016. Đến nay, hai nước đã ký kết được khoảng 15 thỏa thuận và hiện đang đề xuất đàm phán trên 10 thỏa thuận khác nhằm từng bước tạo khung pháp lý cho việc triển khai các hợp tác cụ thể. 

Thương mại Việt Nam - Xu-đăng thời gian qua còn rất khiêm tốn, diện mặt hàng trao đổi còn còn hạn chế, kim ngạch còn nhỏ. Năm 2017 kim ngạch song phương mới đạt 41 triệu USD. Chủ yếu là hàng hóa của Việt Nam xuất sang Xu-đăng. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm sản phẩm dệt may, gạo, hàng hải sản, sắt thép các loại, linh kiện ô tô CKD, SKD dưới 12 chỗ ngồi. Việt Nam nhập khẩu từ Xu-đăng không đáng kể, chủ yếu là bông, hạt vừng, cao su.

Nông nghiệp là điểm nhấn trong hợp tác giữa hai nước. Trước đây, Việt Nam đã giúp Xu-đăng phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực thông qua triển khai Pha I dự án “Phát triển sản xuất lúa gạo và một số cây trồng khác tại Xu-đăng”. Dự án được đánh giá là một trong những hợp tác nông nghiệp với nước ngoài thành công nhất ở Xu-đăng. Tuy nhiên, Dự án đã bị dừng vào năm 2012 do Xu-đăng khó khăn tài chính và không tiếp tục cấp bổ sung kinh phí.

Chính sách đối ngoại của Xu-đăng

Xu-đăng thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, không liên kết, có quan hệ tốt với các nước Ả-rập, Châu Phi và Trung Quốc. Xu-đăng là thành viên của LHQ, Liên minh châu Phi (AU), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quan sát viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)...

Xu-đăng chủ trương đẩy mạnh chính sách hướng Đông, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước bạn bè, trong đó có Việt Nam, phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng, công nghiệp… nhằm đa dạng hóa nền kinh tế.

Kinh tế Xu-đăng

Xu-đăng là nước nông nghiệp với diện tích đất canh tác khoảng 20 triệu ha; lao động nông nghiệp chiếm 80% lực lượng lao động. Công nghiệp kém phát triển, chủ yếu tập trung vào các ngành dệt, xi-măng và chế biến thực phẩm.

Trước đây Xu-đăng có nhiều tiềm năng về dầu lửa với trữ lượng đứng thứ 3 tại châu Phi, tuy nhiên chủ yếu nằm ở khu vực nay thuộc Nam Xu-đăng (chiếm 75% dự trữ và 80% nguồn thu). Tăng trưởng kinh tế Xu-đăng đạt 3,7% trong năm 2017 và dự báo sẽ dần phục hồi trong các năm tới nhờ việc Mỹ tạm nới lỏng lệnh cấm vận kinh tế. Xu-đăng là một trong những nước thu hút FDI hàng đầu châu Phi (1,05 tỷ USD năm 2017), chủ yếu vào các lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng.

Năm 2017, cơ cấu kinh tế nông nghiệp 39,6%, công nghiệp 2,6%, dịch vụ 57,8%; GDP đạt 119 tỷ USD; GDP bình quân đầu người 4.600 USD; Xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD (vàng, dầu mỏ và các sản phẩm dầu lửa, bông, vừng, gia súc, các loại hạt…). Bạn hàng chính: UAE 42,9%, Ả-rập Xê-út 19,5%, Ai Cập 15,9%... Nhập khẩu năm 2017 đạt 8,65 tỷ USD (thực phẩm, hàng hoá chế tạo, thiết bị lọc dầu và vận chuyển, thuốc, hoá học, dệt may, lúa mì…). Bạn hàng chính: UAE 15,4%, Ấn Độ 11,2%, Ai Cập 10,4%,... Nợ nước ngoài 53,35 tỷ USD./.

Quý Nhân – Quang Huy

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn