Tình hình tái đàn, tăng đàn lợn trên cả nước

Đến thời điểm tháng 7/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) (trên 31 triệu con vào 31/12/2018). Trong đó, có 12 tỉnh/thành có tái đàn và tăng đàn bình quân 118,3% so với thời điểm trước khi có dịch (Bình Phước, Bình Định, Kon Tum, Đắc Nông, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Yên Bái, Hòa Bình, Tây Ninh, Sơn La, Lâm Đồng, Khánh Hòa); có 9 tỉnh có tỷ lệ tái đàn bình quân 94,3% (Bình Thuận; Gia Lai, Quảng Bình, Thanh Hóa, Phú Yên, Bình Dương, Đắk Lắk, Hà Giang, Cần Thơ); 20 tỉnh/thành phố có tỷ lệ tái đàn bình quân 81% (Tuyên Quang, Nghệ An, Hưng Yên, Nam Định, Đồng Nai, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Hà Tĩnh, Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa Vũng Tàu, Điện Biên, Hà Nam, Thừa Thiên - Huế, Bắc Kạn, Phú Thọ, Cao Bằng, Bạc Liêu, Lai Châu) và 22 tỉnh, thành phố với tỷ lệ tái đàn dưới 70%, trung bình tái đàn chỉ đạt 55,5% (Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nội, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Quảng Trị, Quảng Nam, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Ninh Bình, Sóc Trăng, Long An, Hải Dương, Quảng Ninh, Bến Tre, TP. HCM, An Giang, Hải Phòng, T/P Đà Nẵng, Lạng Sơn).

Mức độ tái đàn cao nhất là vùng Đông Nam Bộ, đạt trên 100%; thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đạt 60,9%; còn lại vùng Tây Nguyên đạt 96%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đạt 93,9%, Trung du và miền núi phía Bắc đạt 80, 2% và đồng bằng sông Hồng tái đàn đạt 68% (theo báo cáo của Cục Chăn nuôi).

Khó khăn trong tái đàn, tăng đàn

Bệnh DTLCP rất nguy hiểm và chưa có vắc-xin phòng bệnh; chăn nuôi nông hộ khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch bệnh tái phát.

Một số địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy cho địa phương.

Một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do DTLCP cho người dân nên người chăn nuôi rất khó khăn duy trì sản xuất. Mặt khác, người chăn nuôi cũng gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi và chính sách về đất đai để tái đàn, duy trì sản xuất, tăng đàn.

Do thời gian từ tháng 5 đến tháng 9/2019 là giai đoạn cao điểm của bệnh DTLCP, các cơ sở chăn nuôi lợn không cho phối hoặc hạn chế phối giống gây ảnh hưởng đến nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020. Từ tháng 10/2019 các cơ sở chăn nuôi lớn mới cho phối giống và tăng đàn lợn thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ phải cuối năm 2019 đầu năm 2020 mới tái đàn. Như vậy dự kiến đến cuối quý III, đầu quý IV năm 2020 mới đảm bảo cơ bản nhu cầu thịt lợn.

Các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống rất hạn chế bán con giống ra ngoài, chủ yếu cung cấp nội bộ. Do đó, giá lợn giống hiện nay rất cao, 2,5 - 3 triệu đồng/con lợn giống.

Giải pháp tái đàn, tăng đàn

Các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp yên tâm tái đàn, tăng đàn; chi trả kinh phí cho các hộ, cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP để có nguồn lực tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn;

Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp yên tâm tái đàn, tăng đàn

 

Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 132/TB-VPCP ngày 29/3/2020.

Có chính sách hỗ trợ cụ thể để tái đàn và tăng đàn lợn giống: tinh, lợn đực và lợn nái; triển khai thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP về cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, Quyết định 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 – 2020.

Có chính sách về lãi suất tiền vay, chính sách về đất đai cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn, chăn nuôi ATSH theo chu kỳ sản xuất.

Tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi giữ giống, quản lý và sản xuất giống theo tháp giống, tăng tỷ lệ chọn giống, nâng cao năng suất sinh sản của đàn nái hiện có, tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh.

Tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tái đàn, tăng đàn lợn; tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn như thịt gia súc khác, thịt và trứng gia cầm, thủy sản với nguồn cung dồi dào và giá cả hợp lý.

Kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ lợn xuất chuồng đến người tiêu dùng, bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng; kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất, nhập khẩu lợn giống, lợn thịt và các sản phẩm thịt lợn trái phép.

 Nguyễn Thị Hải

 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia