Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo và cán bộ hệ thống khuyến nông trên cả nước.  

Toàn cảnh hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị kết quả hoạt động khuyến nông 2011 - 2015  nêu rõ, hệ thống tổ chức khuyến nông Nhà nước tiếp tục được hoàn thiện và phát triển đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Hiện tại, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có trung tâm khuyến nông, là đầu mối thực hiện nhiệm vụ khuyến nông khuyến ngư của địa phương. Trong 5 năm qua, hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông ở Trung ương và địa phương có nhiều đổi mới, nội dung luôn bám sát các chủ trương của Bộ, ngành như xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tăng cường phối hợp, tham gia của các cơ quan nghiên cứu, đào tạo trong chuyển giao tiến bộ thông qua các sự kiện khuyến nông, các chuyên mục tư vấn trên truyền thanh, truyền hình, internet, xây dựng các tài liệu, ấn phẩm khuyến nông… Cụ thể, về tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, 5 năm đã tuyên truyền 852 số chuyên mục bằng 12 ngôn ngữ dân tộc thiểu số; một số chương trình phục vụ chủ trương lớn của ngành gây được tiếng vang lớn như: Chương tình giao lưu “Ngày mùa”, “Hướng ra biển lớn”…; Trang Web Khuyến nông Việt Nam là địa chỉ tin cậy, là đầu mối thông tin nông nghiệp quan trọng phản ánh hoạt động nông nghiệp và khuyến nông ở mọi miền Tổ quốc; Bản tin Thông tin Khuyến nông Việt Nam với trên 100 số, phát hành tới trên 2.000 địa chỉ trên toàn quốc với nội dung luôn đổi mới, bám sát chủ trương, định hướng lớn của Bộ, ngành, trở thành cẩm nang của cán bộ khuyến nông và bà con nông dân cả nước; xây dựng 120 “Tủ sách khuyến nông” tại các xã nông thôn mới với 20 đầu ấn phẩm và 5 đầu đĩa hình. Trong 5 năm qua, đã tổ chức được 111 Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, 42 Hội chợ Nông nghiệp và Thương mại quy mô vùng, 22 Hội thi sản phẩm nông nghiệp, nông dân sản xuất giỏi, cán bộ khuyến nông giỏi. Theo khảo sát sơ bộ, có 825 nông dân được hỏi cho biết 85% ý kiến cho rằng Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp đã giúp họ giải quyết các vướng mắc trong quá trình sản xuất, 73% ý kiến cho rằng Hội thi đã cung cấp những thông tin kỹ thuật, chính sách thông qua các tình huống và 62% ý kiến tiếp nhận được giống mới, tiến bộ kỹ thuật tại các Hội chợ nông nghiệp.

Bên cạnh đó, một số địa phương có hình thức tuyên truyền khuyến nông rất sáng tạo và hiệu quả như: Câu lạc bộ khuyến nông, tủ sách khuyến nông, điểm tư vấn hỏi đáp khuyến nông, quán “cà phê khuyến nông” ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang; “Nhịp cầu khuyến nông” trên truyền hình ở Long An, Vĩnh Long và Cần Thơ… 

Về đào tạo huấn luyện, trong 5 năm đã tổ chức được 1.535 lớp tập huấn cho khoảng trên 50.149 cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông tham gia. Năm 2015, Trung tâm đã tổ chức lớp tập huấn đào tạo giảng viên cấp quốc gia cho 180 học viên là các cán bộ khuyến nông của 63 đơn vị cấp cơ sở. Bình quân hàng năm, trung tâm khuyến nông các tỉnh  tổ chức khoảng 31.260 lớp tập huấn cho khoảng 1,3 triệu lượt nông dân; 2.000 cuộc hội nghị, hội thảo đầu bờ, gần 400 đoàn nông dân tham quan trao đổi kinh nghiệm.

Trong 5 năm qua, Bộ Nông nghiệp và ­PTNT phê duyệt 139 dự án khuyến nông Trung ương. Trong đó, Trung tâm chủ trì, triển khai thực hiện được 57 dự án, chiếm 41%. Về lĩnh vực trồng trọt – lâm nghiệp, dự án sản xuất hạt giống lúa lai F1 (giai đoạn 2011 – 2013, 2014 – 2016) với diện tích 4.530 ha, năng suất bình quân các tổ hợp đạt 26 -­ 28 tạ/ha, cung ứng cho sản xuất khoảng 12.000 tấn hạt giống lúa lai F1. 05 dự án sản xuất cây ăn quả, 06 dự án về cây công nghiệp đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, gia tăng hiệu quả sản xuất cũng như lợi ích xã hội. Chăn nuôi thú y chủ trì và quản lý 15 dự án, đến nay 15/15 dự án triển khai toàn quốc đều có kết quả nghiệm thu khá và đạt, cụ thể như dự án Chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ, dự án Xây dựng mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, dự án Xây dựng mô hình sản xuấ giống gia cầm cho các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc. Về lĩnh vực thủy sản, 6 dự án được triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của tàu, giảm chi phí, các mô hình đã tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực khai thác thủy sản.

Giai đoạn 2011 - 2015, các địa phương đã triển khai xây dựng được gần 4.000 mô hình với khoảng 7.500 các điểm trình diễn, hỗ trợ 200 ngàn hộ nông dân áp dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mới vào sản xuất.

Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động khuyến nông trên cả nước còn gặp một số hạn chế: Mô hình tổ chức khuyến nông các cấp chưa thống nhất và cơ chế phối hợp hoạt động chưa chặt chẽ. Chính sách hỗ trợ, đầu tư cho khuyến nông ở các địa phương chưa đồng bộ. Hầu hết các địa phương chưa thực hiện đầu tư và quản lý khuyến nông theo chương trình, dự án. Hoạt động tư vấn dịch vụ còn hạn chế…

Phát huy kết quả và những thành tích đã đạt được trong gần 25 năm qua, trước những khó khăn và thách thức mới trong thời kỳ hội nhập, giai đoạn 2016 - 2020 mục tiêu trọng tâm của khuyến nông là nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông nhằm thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp hoạt động khuyến nông giai đoạn 2016 – 2020 tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:

- Củng cố, hoàn thiện và tăng cường năng lực cho hệ thống tổ chức khuyến nông.

- Xây dựng và triển khai có hiệu quả các dự án, mô hình khuyến nông: Tập trung sản xuất các sản phẩm chiến lược, chủ lực có lợi thế cạnh tranh và có công nghệ tiên tiến, có thị trường tốt.

- Đa dạng hóa các hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông để nâng cao hiệu quả nhằm phổ biến thông tin kịp thời, chất lượng hiệu quả phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức các sự kiện khuyến nông, phát hành tài liệu, tăng cường thông tin tuyên truyền phổ biến tiến bộ kỹ thuật mới, tổ chức tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm nhằm nhân rộng các mô hình, gương sản xuất giỏi, cac điển hình tiên tiến.

- Tăng cường và đổi mới hoạt động đào tạo huấn luyện cả về phương pháp và nội dung.

- Mở rộng nội dung và nâng cao chất lượng tư vấn, dịch vụ khuyến nông.

- Mở rộng hợp tác quốc tế về khuyến nông để học tập các kinh nghiệm khuyến nông tiên tiến cũng như tranh thủ các nguồn lực phục vụ khuyến nông. Tăng cường hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp theo hướng xã hội hóa khuyến nông.

Qua các ý kiến chia sẻ tại Hội nghị của các tập thể, cá nhân điển hình khuyến nông đến từ các các tỉnh: Lâm Đồng, Hà Giang, An Giang… sẽ là những bài học, bí quyết giúp các đơn vị trong hệ thống khuyến nông học tập, và áp dụng nhân rộng theo điều kiện của địa phương.

Chia sẻ tại Hội nghị của đồng chí Vũ Khắc Minh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) Vĩnh Phúc, trong những năm qua Trung tâm thực hiện theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh công tác đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, phương pháp đào tạo huấn luyện, Trung tâm KNKN Vĩnh Phúc đã thực hiện thành công nhiều mô hình trình diễn được người sản xuất áp dụng mở dụng, có thể kể đến mô hình trồng cây bí đỏ sử dụng giống F1 - 868. Đây là giống dễ trồng, có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, năng suất quả trung bình  đạt 11,2 tấn/ha, thị trường tiêu thụ tốt; hàng năm triển khai trồng trên 500 ha, cho thu nhập bình quân 41,5 triệu đồng/ha. Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, Vĩnh Phúc cũng nhiều mô hình hay, được người dân hào hứng tham gia như mô hình tự chế biến thức ăn chăn nuôi, mô hình xử lý chất thải, mô hình vỗ béo bò thịt. Từ kết quả này, Trung tâm KNKN Vĩnh Phúc đã xây dựng dự án phát triển chăn nuôi bò thịt giai đoạn 2015 ­- 2020, phục vụ tái tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh.   

Ông Phạm Thành Trung - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông ­- Khuyến Lâm Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh nhà nói chung, huyện Điện Bàn nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, do vậy công tác khuyến nông của trạm luôn chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Thông qua bản tin của các báo đài, nội dung công tác khuyến nông đến gần với người dân. Chương trình "3 giảm, 3 tăng" trong sản xuất lúa  được triển khai và nhân rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn thị xã, phát triển lên thành mô hình “Thâm canh lúa tổng hợp” và “Cánh đồng mẫu lớn”. Qua hạch toán cuối vụ, lãi ròng mô hình khoảng 27,1 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 1,3 lần so với lúa đại trà. Hoạt động dịch vụ khuyến nông của Trạm đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cụ thể dịch vụ khoa học kỹ thuật được triển khai dưới hình thức hợp đồng trình diễn giống mới, phân bón, thức ăn gia súc… thông qua đó, người dân được tư vấn đầy đủ, cặn kẽ về các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng thành công vào thực tế sản xuất.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, đồng chí được biết ở nhiều địa phương có các trung tâm khuyến nông, trạm khuyến nông, cán bộ khuyến nông giỏi sâu sát với thực tiễn sản xuất, được chính quyền địa phương các cấp và bà con nông dân đánh giá cao. Đó là những tấm gương cán bộ khuyến nông cơ sở giỏi ở các tỉnh vùng cao: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La... đã không quản ngại khó khăn, vất vả luôn đồng hành với người nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Trung tâm khuyến nông các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp... đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn liên kết. Trung tâm Khuyến nông Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc,... đã chuyển giao thành công rất nhiều tiến bộ kỹ thuật phục vụ chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hoặc các Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Bình Phước,... đã thực hiện rất hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho nông dân, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân. Đồng chí đề nghị, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập hợp những mô hình hiệu quả, kinh nghiệm hay trong hoạt động khuyến nông để tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng ra toàn hệ thống khuyến nông cả nước.

Đồng chí lưu ý, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo rất quyết liệt triển khai hai Chương trình trọng tâm của ngành, đó là: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.  Mục tiêu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước ra là nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp nhằm tăng thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nông nghiệp nước ta trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Sản xuất nông nghiệp và nông sản hàng hóa của Việt Nam sẽ phải tuân thủ theo các quy định, thông lệ của quốc tế. Hệ thống khuyến nông Việt Nam phải là lực lượng xung kích, chủ lực để triển khai các nhiệm vụ quan trọng này.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhất trí và đánh giá cao đề xuất của Trung tâm trong việc xây dựng Đề án Đổi mới công tác khuyến nông giai đoạn 2016 - 2020 phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. Đề nghị hệ thống khuyến nông các địa phương cần tích cực tham gia xây dựng, góp ý hoàn thiện Đề án để trình Bộ trưởng phê duyệt. Thứ trưởng gợi ý một số nội dung chính trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:

Một là, Bám sát chiến lược của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến 2020, đặc biệt là chủ trương tái cơ cấu của ngành và xây dựng nông thôn mới để xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông có hiệu quả. Đầu tư phải trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực đầu tư cho các sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ và những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển; lựa chọn các tiến bộ khoa học công nghệ có khả năng bứt phá và có sức lan tỏa mạnh, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên phạm vi rộng về chất lượng và hiệu quả kinh tế, bền vững về môi trường.

Hai là, Tiếp tục cải tiến, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động theo cách tiếp cận mới, đó là: kết hợp giữa khuyến nông "từ dưới lên" (theo nhu cầu của nông dân) và "từ trên xuống" (theo các chương trình, đề án trọng tâm của ngành); kết hợp giữa khuyến nông kỹ thuật với khuyến nông kinh tế - thị trường; kết hợp giữa khuyến nông truyền thống và khuyến nông hiện đại; kết hợp giữa khuyến nông trung ương và khuyến nông địa phương; kết hợp giữa khuyến nông Nhà nước và khuyến nông ngoài nhà nước, giữa trong nước và quốc tế để huy động nhiều nguồn lực và tranh thủ kinh nghiệm, phương pháp khuyến nông nhằm nâng cao hiệu quả; cần tránh cách làm theo lối mòn, hoặc mang tính hành chính, xa rời thực tế.

Ba là, Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức và bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, năng lực thực tế của đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, đặc biệt là lực lượng khuyến nông cơ sở để nâng cao tính chuyên nghiệp, sâu sát với sản xuất và thiết thực với người nông dân.

Bốn là, Chủ động tiếp cận, nắm bắt những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến có hiệu quả, có sức lan tỏa nhanh, những mô hình tổ chức quản lý sản xuất hiệu quả (cả trong nước và quốc tế) để chuyển giao vào sản xuất, phục vụ bà con nông dân.

Năm là, tạo điều kiện để thúc đẩy hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông phát triển, mỗi cán bộ khuyến nông phải là một "nhà tư vấn giỏi" để có thể tư vấn, hướng dẫn nông dân sản xuất.

Sáu là, Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và đề xuất bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách khuyến nông theo Nghị định 02/2010/NĐ-CP và các văn bản liên quan cho phù hợp với sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tình hình mới.

Tại Hội nghị, Thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã trao tặng Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho 10 tập thể và 13 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2011 - 2015 đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ban Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã trao tặng Giấy khen cho 49 tập thể và 37 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2011 – 2015.


Thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trao tặng Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho tập thể  và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2011 - 2015 đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn

Ban Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trao tặng Giấy khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2011 – 2015.

Các đại biểu thạm dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Thanh Thúy