Năm 2016, cơn bão Mirinae đổ bộ vào Việt Nam gây thiệt hại nặng nề về hoa màu và nhà cửa cho nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. Tại Nam Định, cơn bão đã gây thiệt hại lên tới 684,1 tỷ đồng, trong số 23.540 ha lúa bị thiệt hại, có tới 5.024 ha bị mất trắng và 17.114 ha bị thiệt hại 30 - 70%; trên 6.688 ha ngô và rau bị ảnh hưởng, trong đó có 6.063 ha bị thiệt hại trên 70% và 625 ha bị thiệt hại 30 - 70%; 4.107,3 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 2.133,1 ha tôm và 1.760 ha ngao (vạng) cũng bị thiệt hại nặng nề. Tổn thất trong chăn nuôi ước tính khoảng 63,8 tỷ đồng, gồm 6.976 con bò và 247.882 con gà bị chết hoặc nước cuốn trôi; 8.064 chuồng trại, 7.000 m2 nhà kho và hàng trăm tấn lương thực cũng như nguyên liệu chăn nuôi bị thiệt hại.

Để giúp người dân vực dậy, khắc phục những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra; dưới sự giúp đỡ về kinh phí của tổ chức FAO, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thành lập Ban quản lý dự án, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định đánh giá, rà soát và xác định danh sách 1.128 hộ hưởng lợi theo nguyên tắc: minh bạch, đúng đối tượng hưởng lợi, có sự tham gia, giám sát của người dân. Dự án ưu tiên lựa chọn các hộ được hỗ trợ là các gia đình khó khăn, chính sách, các gia đình có người già, người khuyết tật, các gia đình dân tộc thiểu số.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Qua hơn một năm triển khai, Dự án đã cấp phát tới người dân 30.000 con gà giống, 256 con lợn giống, 6.400 kg thức ăn cho lợn, 125.000 kg thức ăn cho gà; Tổ chức 2 khóa tập huấn cho cán bộ khuyến nông và 90 khóa tập huấn cho nông dân của 5 huyện về an toàn sinh học, thực hành quản lý chăn nuôi, quản lý trồng lúa tốt và nâng cao nhận thức phòng chống thiên tai. Ngoài ra, dự án còn cung cấp dịch vụ tư vấn và thú y cơ bản cho các nông dân được nhận vật nuôi.

Theo bà Võ Ngân Giang, đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam, dự án đã khắc phục khẩn cấp cho cộng đồng chịu ảnh hưởng của cơn bão Mirinae tại Nam Định. Hỗ trợ các hộ thiệt hại về trồng trọt (lúa), chăn nuôi (lợn, gà), đảm bảo phục hồi sinh kế cho 2.628 hộ nông dân nghèo.

Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định - ông Nguyễn Sinh Tiến chia sẻ: “Nam Định là tỉnh ven biển thường xuyên phải hứng chịu thiên tai từ bão, lũ. Dự án lần này đã giúp trên 1000 hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Nam Định ổn định sản xuất sau bão. Thời gian tới, mong rằng, tỉnh sẽ nhận được những hỗ trợ tương tự, đặc biệt là các dự án về sinh kế bền vững cho các huyện nghèo ven biển. Đề nghị Trạm Khuyến nông các huyện và các xã tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả của dự án và nhân rộng kết quả này ra các xã chưa được hưởng lợi.”

Có thể khẳng định rằng, đến thời điểm hiện tại, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người nông dân nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão Mirinae khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Là một trong bốn huyện của tỉnh Nam Định nhận được hỗ trợ từ Dự án, ông Nguyễn Xuân Trường, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Xuân Trường cho biết: “Huyện đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo 13 xã, cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y trên toàn huyện để lựa chọn ra 571 hộ dân được nhận hỗ trợ từ dự án. Trong quá trình triển khai, Trạm khuyến nông huyện đã phối hợp với các xã tổ chức 19 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn nái sinh sản, nuôi gà và cách phát hiện phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Dự án đã giao tới tay bà con 198 con lợn nái Móng Cái, 14.160 con gà, 63.950 kg thức ăn gia súc. Gà, lợn giống đã được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ nên ít nhiễm bệnh, sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao tới 96%. Dự án không chỉ giúp bà con khôi phục sản xuất mà còn tiếp sức cho quá trình xây dựng nông thôn mới”.

Ông Đặng Xuân Trường - Trạm trưởng trạm Khuyến nông huyện Xuân trường phát biểu tại Hội nghị

Chị Nguyễn Thị Hiên, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ý Yên vui mừng cho biết: “Tuy không được hỗ trợ về con giống trong chăn nuôi nhưng qua rà soát, huyện đã lựa chọn được 1.500 hộ/6 xã có thiệt hại nặng nề để tham dự các lớp tập huấn về biện pháp phòng chống bệnh lùn sọc đen trên lúa và cách ứng phó với thiên tai, bão lũ. Nội dung tập huấn được thực hành ngay tại đồng ruộng giúp bà con dễ nhớ và thực hiện tốt hơn. Kết quả của các lớp tập huấn là tiền đề không nhỏ giúp năng suất lúa vụ đông xuân năm 2018 tại huyện Ý Yên đạt 62 tạ/ha - cao nhất từ trước tới nay, góp phần cải thiện đời sống người nông dân nói chung và người bị ảnh hưởng bão lũ nói riêng”.

Tổng kết hội nghị, TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, đây là một trong những dự án đầu tiên về vấn đề ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu mà hệ thống khuyến nông tham gia. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhưng dự án đã hoàn thành đúng kế hoạch, được cán bộ khuyến nông và bà con nông dân đánh giá cao. Trong quá trình triển khai, bà con không chỉ được tập huấn các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, mà còn được trang bị, cập nhật các kỹ năng ứng phó với tình hình bão lũ, thiên tai do biến đổi khí hậu.

TS Hạ Thúy Hạnh - PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tổng kết Hội nghị

Kiến nghị tổ chức FAO, chỉnh sửa bộ tài liệu đã xây dựng trong quá trình triển khai dự án để có thể phổ biến cho bà con nông dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Hướng tới xây dựng các bộ tài liệu ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu trong nông nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định phối hợp theo dõi, chỉ đạo, đánh giá và bố trí ngân sách để có thể nhân rộng mô hình đã triển khai trong dự án.

Đề nghị Trung tâm Khuyến nông Nam Định rà soát, biên soạn lại các tài liệu tập huấn thành tờ rơi, tờ gấp dễ nhớ, dễ hiểu để phát tới bà con nông dân. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khắc phục bão lũ, chỉ đạo, vận động bà con nông dân tiếp tục triển khai thực hiện mô hình đúng kỹ thuật.

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia