Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, vụ 2014 – 2015, diện tích mía cả nước là 305.000 ha, năng suất mía bình quân cả nước đạt 65,3 tấn/ha, sản lượng 19,9 triệu tấn. Diện tích mía của 25 tỉnh có nhà máy đường là 293.000 ha. Tổng diện tích nhà máy có ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm là 255.891 ha, chiếm 87,3% diện tích vùng nguyên liệu mía, giảm so với vụ trước 10.943 ha. Về giá mua mía nguyên liệu, giá mua mía 10CCS tại ruộng là 750 – 900 ngàn đồng/tấn, giảm so với vụ trước 100 – 150 ngàn đồng/tấn. Với giá này, nhiều vùng nông dân hòa vốn hoặc lãi không đáng kể, một số có thể bị lỗ.

Vụ sản xuất mía đường toàn quốc 2014 – 2015, cả nước có 41 nhà máy đường hoạt động với tổng công suất thiết kế là 150.500 TMN. Sản lượng đường sản xuất được là 1.417.800 tấn, trong đó đường luyện là 700.000 tấn. So với vụ trước, công suất thiết kế tăng 10.000 TMN (7,1%), nhưng sản lượng đường giảm 172.760 tấn (10,8%).

Vụ 2014 – 2015 là vụ thứ 4 giá đường liên tục giảm, các nhà máy đường gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn giữ được giá mua mía cho nông dân không bị biến động lớn. Ngành mía đường vẫn đang là một trong những ngành đi đầu của nông nghiệp trong việc gắn kết nông dân sản xuất nguyên liệu với nhà máy, tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Cụ thể là có 95% diện tích vùng nguyên liệu tập trung được các nhà máy ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Tất cả các nhà máy đều có hỗ trợ cho nông dân sản xuất mía nguyên liệu như: hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp (vôi, thuốc xử lý đất, phân bón...), hỗ trợ cơ giới hóa, sửa chữa giao thông nội đồng, xây dựng các mô hình thâm canh năng suất cao... Về thị trường tiêu thụ đường, cung vượt cầu. Đến 15/6/2015, lượng đường tồn kho của các nhà máy là 389.440 tấn.

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận về công tác giống, tổ chức sản xuất và liên kết trong sản xuất mía, các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh...

Theo đánh giá của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành mía đường Việt Nam hiện nay có sức cạnh tranh kém so với khu vực và thế giới. Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Bộ NN và PTNT sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định mía đường, là cơ sở pháp lý điều chính các hoạt động sản xuất, kinh doanh để ngành phát triển đúng hướng, có hiệu quả và bền vững để hội nhập. Đề nghị chấm dứt việc cho phép đường tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu phụ. Kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng chống buôn lậu, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường...

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Trần Thanh Nam cũng cho biết,  năm 2015, Bộ đang thực hiện rà soát, điều chỉnh qui hoạch phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó yêu cầu đặt ra trong qui hoạch là: vùng nguyên liệu phải đáp ứng công suất nhà máy, đảm bảo yêu cầu áp dụng được các tiến bộ KHKT trong trồng trọt và áp dụng cơ giới hóa nhằm nâng nhanh năng suất.

Hải Yến