Phát biểu khai giảng, ông Phạm Đức Dũng – Trưởng Trạm Trình diễn và dạy nghề nông nghiệp cho biết: Nông nghiệp đô thị được xem là chủ đề mới trong phát triển nông nghiệp. Với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị đã hình thành mảng nông nghiệp phục vụ lương thực, thực phẩm cho đô thị, tuy nhiên quy mô sản xuất không được lớn, khả năng nhân rộng chưa cao. Để hỗ trợ cho nông dân thành phố tiếp cận với sản xuất công nghệ cao thì người cán bộ khuyến nông phải là người tiếp cận và am hiểu trước.

Lớp học gồm có 2 phần: phần lý thuyết (kỹ thuật làm nhà màng, nhà lưới và hệ thống tưới) và phần thực hành trồng dưa lưới công nghệ cao tại Công ty TNHH Nông Phát (ấp 7, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM).

Ông Trang Quốc Dũng – một nông dân thành công trong sản xuất công nghệ cao dưa lưới đã được mời làm giảng viên của lớp học. Theo ông Dũng, chính công nghệ cao giúp mang lại giá trị gia tăng cho nông nghiệp. Trước tiên người sản xuất phải nắm rõ kiến thức cây trồng bởi nắm đặc tính cây trồng (như khí hậu, quá trình sinh trưởng của cây) là quyết định 60% thành công, 40% thành công còn lại phụ thuộc vào thiết bị vật tư công nghệ. Ông Dũng cũng lưu ý không nên áp dụng rập khuôn mà tùy vào điều kiện và nhu cầu cụ thể của mình.

Đầu tư công nghệ cao vào sản xuất là để hạn chế rủi ro do thời tiết mang lại thì trước tiên phải có nhà màng để tránh mưa, tránh nắng cho cây trồng. Nhà màng phải đảm bảo nhiệt độ, độ thông gió, độ ẩm tùy theo yêu cầu kỹ thuật của cây trồng. Hiện nay nhà màng thích hợp để trồng dưa lưới tại TP.HCM, theo ông Dũng là nhà màng thông gió định mái 2 chiều cố định. Yếu tố cần quan tâm tiếp theo là độ dày mỏng của màng che. Màng che không chỉ có tác dụng che mưa nắng mà còn thể hiện được sự tán xạ ánh xáng và độ xuyên sáng của từng loại cây trồng. Lưới che phải phù hợp với từng loại cây trồng nhưng theo nguyên tắc càng thông thoáng càng tốt.

Mô hình trồng dưa lưới của ông Dũng được thực hiện công nghệ cao ở các khâu lựa chọn hạt giống, phương pháp gieo trồng tiên tiến - giá thể, bán thủy canh, kiểm soát dinh dưỡng, phòng ngừa cách ly mầm bệnh… đều theo dõi trên phần mềm điều khiển thông minh, thông qua hệ thống theo dõi smart phone và dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến là yếu tố giúp ông nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nhờ đó mở rộng cánh cửa bước vào thị trường khó tính (Nhật, Hàn Quốc).

Được biết, trong năm 2018, Trung tâm Khuyến nông TPHCM sẽ tổ chức nhiều lớp huấn luyện nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Tham dự lớp huấn luyện giúp cán bộ kỹ thuật khuyến nông vận dụng có hiệu quả kiến thức đã học để các buổi chuyển giao KHKT cho bà con nông dân thời gian tới nội dung sâu hơn, thực tiễn hơn, thu hút được nhiều nông dân học tập và làm theo giúp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ.

Vân Tâm