Kết quả có 38 mô hình sản xuất hiệu quả được đề xuất nhận rộng, trong đó lĩnh vực trồng trọt có 13 mô hình, lĩnh vực chăn nuôi có 10 mô hình, lĩnh vực thủy sản có 15 mô hình. Các mô hình đề xuất nhân rộng được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, có tiềm năng thị trường ổn định, có hiệu quả kinh tế cao, thích nghi tốt, ít ảnh hưởng môi trường và phù hợp từng điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của tỉnh.

Đối với lĩnh vực trồng trọt bao gồm các mô hình: Cấy lúa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như sạ thưa, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, IPM, SRI, cơ giới hóa đồng bộ giúp hiệu quả kinh tế tăng 15 – 20% so với sản xuất theo tập quán cũ, bảo vệ môi trường, phù hợp nhân rộng cho vùng sản xuất lúa có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh; cây rau màu sản xuất trong nhà lưới an toàn, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, giống mới năng suất chất lượng cao, tưới nước tiết kiệm, giúp giảm chi phí, an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng nên cần nhân rộng trên các vùng trồng rau màu của tỉnh; các mô hình trên cây ăn trái sử dụng giống mới chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giá trị gia tăng; mô hình trồng cây hoa kiểng cũng được đề xuất nhân rộng cho vùng ven đô thị, hộ có diện tích đất sản xuất nhỏ.

Lĩnh vực chăn nuôi: Các mô hình chăn nuôi gia cầm nuôi thịt, nuôi sinh sản, sử dụng đệm lót sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi các giống mới (vịt trời, vịt biển) thích nghi với biến đổi khí hậu, phù hợp chăn nuôi nông hộ, trang trại nhằm hạn chế dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu thị trường, hiệu quả bền vững; chăn nuôi heo (lợn) thịt 2 giai đoạn kết hợp biogas, heo sinh sản; chăn nuôi bò sinh sản, vỗ béo bổ sung thức ăn hỗn hợp, ủ rơm, cỏ,..., chăn nuôi dê là các đối tượng sản xuất hiệu quả, phù hợp cho chăn nuôi nông hộ, trang trại trên địa bàn tỉnh, giúp hạn chế vấn đề ô nhiễm trong chăn nuôi, hạn chế chi phí và dịch bệnh.

Lĩnh vực thủy sản: Các đối tượng thủy sản chủ yếu như tôm thẻ, tôm sú nuôi công nghệ cao 2 giai đoạn  trong ao lót bạt, bể khung sắt sẽ thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý tôm nuôi, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường trong ao, các chỉ tiêu môi trường luôn duy trì ổn định, hạn chế ô nhiễm môi trường; thả nuôi mật độ cao, tôm nuôi phát triển tốt,  tôm thu có kích cỡ lớn, giảm hao hụt, hạn chế rủi ro, rút ngắn thời gian nuôi. Mô hình nuôi kết hợp cá rô phi, cá măng hoặc luân canh với lúa, nuôi tôm sinh thái giúp hạn chế dịch bệnh, bảo vệ môi trường bền vững; mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực, nuôi thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi trong ao tôm sú, tôm thẻ nhằm hạn chế dịch bệnh nguy hiểm; nuôi vọp, sò huyết trên các bãi bối ven biển, sông; nuôi hàu trên giàn bè góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, hạn chế việc khai thác cạn kiệt nguồn tự nhiên; nuôi cá thát lát cườm, cá lóc, cá tra thâm canh áp dụng tiến bộ kỹ thuật giúp hạn chế chi phí, giảm giá thành nuôi, sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường; nuôi ếch trong ao nhằm đa dạng đối tượng nuôi, tăng thu nhập, tận dụng diện tích ao hồ. Đây là các mô hình đạt hiệu quả cao được đề xuất nhân rộng.

Mô hình nuôi tôm sú trong ao lót bạt là 1 trong những mô hình thủy sản đạt hiệu quả, được đề xuất nhân rộng tại Trà Vinh

Được biết, trước khi khuyến cáo nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, các ban ngành đoàn thể  tỉnh, huyện, các cán bộ kỹ thuật sẽ đóng góp ý kiến thông qua cuộc hội thảo đánh giá do Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh tổ chức. Qua đó, các mô hình được đánh giá một cách toàn diện về các yếu tố kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường, phù hợp quy hoạch phát triển của địa phương sẽ được nhân rộng vào sản xuất để đạt hiệu quả bền vững. Trong thới gian tới, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực, phối hợp với các viện, trường nghiên cứu trên các đối tượng nuôi trồng mới để đề xuất bổ sung tuyên truyền nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Trương Văn Thương

Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh