Nhật bản một đất nước được biết đến như một cường quốc về công nghiệp hiện đại, nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,1% tổng sản phẩm Quốc nội với khoảng 4% lực lượng lao động, xấp xỉ 5 triệu người, trên tổng diện tích đất nông nghiệp khoảng 4,7 triệu hecta. Nông nghiệp Nhật Bản canh tác với trình độ kỹ thuật cao, quy mô vừa và nhỏ, tỷ lệ nông dân làm nông nghiệp bán thời gian cao. Tỷ lệ lao động mới tham gia làm nông nghiệp tăng trung bình khoảng gần 10%, tuy nhiên số người nghỉ do tuổi cao khoảng 15%, do đó lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Nhật Bản có xu hướng ngày càng giảm và già hóa.

Tại Nhật Bản, công tác khuyến nông được hình thành và đi vào hoạt động từ rất sớm - những năm 1800, cơ cấu quản lý và các chính sách đã được điều chỉnh và hoàn thiện qua các thời kỳ khác nhau. Lúc đầu khuyến nông được thực hiện bởi các trường học và các trang trại của chính phủ tiến hành thử nghiệm và sau đó thực hiện việc đưa các công nghệ mới ra sản xuất. Cùng với sự phát triển của nông nghiệp, hoạt động khuyến nông ở Nhật Bản đã được chính thức hóa bằng pháp luật và đội ngũ cán bộ khuyến nông được xây dựng và củng cố. Mục đích hoạt động khuyến nông của Nhật Bản gồm: (1) Phát triển phương pháp cánh tác có hiệu quả và thân thiện với môi trường; (2) Phát triển trang trại nông nghiệp một cách bền vững và có hiệu quả; (3) Phát triển nông nghiệp gắn với đặc điểm thế mạnh của từng địa phương và (4) góp phần nâng cao đời sống của người dân ở khu vực nông thôn.

Hiện nay, dịch vụ khuyến nông tại Nhật Bản có ba vai trò chính (1) cầu nối giữa nông dân và các cơ quan nghiên cứu, (2) là cầu nối giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương và (3) là hoạt động giáo dục, hướng nghiệp thế hệ trẻ ở nông thôn làm nông nghiệp. Ngoài hệ thống khuyến nông của nhà nước, hoạt động khuyến nông của Nhật bản còn có sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu độc lập, các công ty tư nhân và các hiệp hội ở địa phương.

Để tìm hiểu về hoạt động nông nghiệp nói chung và ngành khuyến nông nói riêng, học hỏi về xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, các ngành từ cơ quan quản lý, nghiên cứu và khuyến nông, đến hoạt động sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của Nhật Bản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức đoàn thăm quan học tập tại Nhật Bản do Phó Giám đốc Trung tâm - Kim Văn Tiêu làm trưởng đoàn. Trong thời gian 5 ngày (24-29/8) đoàn đã thăm và làm việc với các cơ quan thuộc các lĩnh vực: Quản lý nhà nước (Sở Nông nghiệp tỉnh Kumamoto; Ủy ban nhân dân thành phố Nagasaki); Nghiên cứu (Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Kuamamoto; Trung tâm nghiên cứu Thủy sản Kumamoto), Đào tạo nông nghiệp (Trường Đại học Nagasaki).

Qua các địa phương đoàn đã thăm quan, sản xuất nông nghiệp luôn theo mục tiêu phát triển sản phẩm nông ngư nghiệp sạch (hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học), chú trọng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nguồn lợi, như trong khai thác thủy sản có hạn mức khai thác, mùa khai thác và phân vùng địa giới khai thác cho ngư dân. Để phát triển nông nghiệp được hiệu quả và bền vững nhà nước có hỗ trợ cho người dân trong việc xây dựng mô hình, tham quan học tập mô hình mẫu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tư vấn cho người sản xuất. Đặc biệt luôn chú trọng đến chất lượng và đầu ra của sản phẩm.

Tại tỉnh Kumamoto - một tỉnh sản xuất nông nghiệp lớn nhất Nhật Bản, để có hoạt động nông nghiệp phát triển tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo, giáo dục về nông lâm nghiệp, sử dụng những chuyên gia, tổ chức tọa đàm giữa nhà quản lý, nghiên cứu, chuyển giao (khuyến nông, hiệp hội…) và người dân sản xuất. Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp của tỉnh với các trang thiết bị hiện đại, ngoài chức năng về xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn có labo nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về chất lượng nông sản và tư vấn kỹ thuật sản xuất cho người dân. Tại đây, cũng là nơi trao đổi giữa các doanh nghiệp tiêu thụ, người sản xuất và các nhà nghiên cứu để nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Trung tâm nghiên cứu thủy sản của tỉnh Kumamoto hiện với các nghiên cứu về môi trường biển, kỹ thuật nuôi trồng các loài cá, tôm, nhuyễn thể, tảo, từ khâu tạo giống đến nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm… Đoàn cũng đến thăm một trang trại thủy sản tại Thành phố Amakusa (tỉnh Kumamoto). Trang trại này tổ chức sản xuất khép kín từ sản xuất giống, thức ăn, chăm sóc quản lý đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm với nhà hàng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Tại Thành phố Nagasaki, sau khi thăm và làm việc với Ủy ban Thành phố, đoàn đã tới thăm Viện khảo nghiệm nông lâm Nagasaki và Trường Đại học nông lâm Nagasaki. Tại đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp như cây ăn quả (cam, lê, nho…), măng tây, lúa… đều theo hướng chuyên môn hóa và tự động hóa từ nước tưới, phân bón, nhiệt độ, độ ẩm… và các sản phẩm từ mô hình nều đều gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Một số hình ảnh của làm việc của Đoàn tại Nhật Bản:

Đoàn làm việc với Sở Nông nghiệp tỉnh Kumamoto

Thăm khu vực tạo giống nhuyễn thể tại Trung tâm nghiên cứu thủy sản tỉnh Kumamoto

Thăm Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tỉnh Kumamoto

Đoàn thăm khu vực khảo nghiệm giống lúa - Viện khảo nghiệm nông lâm Nagasaki 

Mô hình thâm canh lê - Đại học nông lâm Nagasaki

Mô hình thâm canh măng tây - Viện khảo nghiệm nông lâm Nagasaki 

 

 

Hoa Trà